'Giữ chân' thợ lò

Vài năm trước, tình trạng người lao động trong ngành than, nhất là thợ lò bỏ việc xảy ra khá trầm trọng, khiến nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) từng đứng trước nguy cơ 'vỡ trận' vì thiếu thợ lò. Đến nay, bằng những cơ chế hỗ trợ về điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội,… tuy tình trạng thiếu lao động trong ngành than vẫn chưa dứt hẳn, song thợ lò nhìn chung đã yên tâm, gắn bó với công việc của mình.

Khai thác than tại Công ty cổ phần Than Núi Béo (Quảng Ninh).

Khai thác than tại Công ty cổ phần Than Núi Béo (Quảng Ninh).

Hơn chục năm trước, thợ lò là công việc rất hấp dẫn đối với những chàng thanh niên vùng nông thôn. Mặc dù tốt nghiệp trong trường công nhân, trung cấp mỏ, nhưng họ cũng phải khá vất vả, chật vật mới xin được vào làm việc ở công ty than. Tuy nhiên, tình hình sau này đã đổi khác. Dù trong thực tế, tỷ lệ thợ lò không may gặp tai nạn còn thấp hơn rất nhiều so với các nghề khác, nhưng hễ nói đến thợ lò, xã hội nghĩ ngay tới những rủi ro rình rập. Khai thác than hầm lò được xác định là nghề nặng nhọc, độc hại, cường độ lao động cao, ngày càng xuống sâu dưới lòng đất, điều kiện làm việc vất vả. Vì thế, tuy thu nhập bình quân cao hơn một số ngành nghề khác, nhưng sức hấp dẫn của nghề mỏ đã giảm hơn trước rất nhiều. Các đơn vị đào tạo nghề và khai thác than của TKV phải cử quân đi khắp nơi, "trèo đèo lội suối" để tìm kiếm lao động với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt nhưng quân số thợ lò cứ rơi rụng dần. Thậm chí, thời điểm nửa đầu năm 2017, số lượng thợ lò bỏ việc lên tới 1.136 người, bằng cả năm 2016 và ngang bằng với số thợ tuyển vào. Các cán bộ Trường cao đẳng nghề - TKV phải lên tận các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và vào khu vực miền trung, Tây Nguyên,… để tuyển sinh. Dù được miễn phí đào tạo, được nuôi ăn, ở trong suốt quá trình học và có việc ngay sau khi tốt nghiệp, với mức lương không dưới 10 triệu đồng/tháng, nhưng việc tuyển dụng thanh niên vào học nghề cũng khó khăn.

Trong bối cảnh thị trường việc làm có sự cạnh tranh gay gắt, điều kiện sản xuất ngày một khó khăn, những năm gần đây, TKV thực hiện thay đổi vượt bậc các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người lao động. Năm 2018, tiền lương bình quân của người lao động toàn Tập đoàn lần đầu đạt "hai con số" hàng triệu, lên mức 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so kế hoạch và tăng 12,1% so năm 2017. Cũng trong năm 2018, TKV đã có ba đợt tăng tiền lương cho người lao động. Theo đó, ngay từ ngày đầu tiên của năm 2018, tăng 5% lương cho thợ lò làm việc tại gương lò; từ ngày 1-5, tăng thêm 5% và từ ngày 1-10, tiếp tục tăng 5% cho tất cả các đối tượng lao động. "Bằng các đợt tăng lương này, lương bình quân hằng tháng của thợ lò đã đạt 16,5 triệu đồng/người, tăng 14,8% so năm 2017. Toàn ngành đã có gần 800 thợ lò đạt mức thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm trở lên, chiếm 3,6% tổng số thợ lò và tăng gấp 6,4 lần so năm 2017. Trong số này, 12 thợ lò đạt thu nhập hơn 400 triệu đồng/người/năm", Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân tiết lộ mức lương "khủng" của thợ lò.

Năm 2019, TKV tiếp tục thực hiện lộ trình tăng tiền lương cho người lao động trên cơ sở tăng năng suất lao động, bảo đảm tiền lương bình quân toàn TKV không thấp hơn 11,3 triệu đồng/người/tháng. Ðồng thời, tiếp tục duy trì các chế độ phúc lợi ưu đãi đối với người lao động làm việc trong hầm lò, thực hiện công tác an sinh xã hội trong toàn ngành. Ngoài ra, xây dựng lại hệ thống thang bảng lương của Tập đoàn theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Không chỉ tập trung cải cách tiền lương, TKV đã dành kinh phí thỏa đáng để đầu tư xây dựng chung cư dành cho người lao động. Ðến nay, hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò của TKV đều có khu chung cư; hơn 6.800 công nhân hộ độc thân được bố trí ở tại các khu tập thể của các đơn vị. Một số đơn vị như Than Thống Nhất, Nam Mẫu, Mạo Khê,... đã quan tâm đầu tư, nâng cấp các khu tập thể công nhân cao tầng tại các khu trung tâm, bảo đảm tốt điều kiện ăn, ở và sinh hoạt văn hóa. TKV cũng đặc biệt quan tâm chế độ ăn, chăm sóc sức khỏe cho thợ mỏ, hằng năm tổ chức cho hàng nghìn lượt lao động đi nghỉ dưỡng, khám sức khỏe định kỳ. Các đơn vị trong ngành than đang thực hiện suất ăn cho công nhân lò làm việc dưới mức âm 100 m là 119 nghìn đồng; bồi dưỡng độc hại 15 nghìn đồng/suất; ăn ca từ 20 đến 26 nghìn đồng/suất tùy hình thức lao động. Các công ty than còn áp dụng chế độ khen thưởng đột xuất, biểu dương người lao động làm việc năng suất cao. Mới đây, Công ty Than Uông Bí đã chi 1,1 tỷ đồng khen thưởng 135 công nhân tiêu biểu có ngày công và thu nhập cao trong quý II. Công ty Than Khe Chàm tuy thuộc diện khó khăn của TKV, nhưng vẫn chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động. Hiện tại, Than Khe Chàm bố trí ổn định công việc cho 3.000 công nhân, thợ lò với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/tháng, riêng thợ lò đạt 16 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn thưởng cho thợ lò có ngày công cao mỗi quý từ 1 đến 2 triệu đồng. Công ty Than Hòn Gai có tổng số hơn 4.600 cán bộ, công nhân viên, trong đó thợ lò chiếm gần một nửa. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Vũ Ðại Chung, đơn vị đã đầu tư, sử dụng các thiết bị, dây chuyền hiện đại, như cột, giá thủy lực, băng tải; thiết bị vận chuyển người, vật liệu từ cửa lò vào gần vị trí làm việc,... giúp thợ lò giảm hao phí sức lao động, nâng cao năng suất, thu nhập. Hiện thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động công ty đạt 13 triệu đồng/người.

Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn khẳng định: Tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì các chế độ phúc lợi ưu đãi đối với người lao động làm việc trong hầm lò và các đối tượng lao động khác, bảo đảm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với người lao động. Sự quan tâm, chăm lo thiết thực tới người lao động chính là nguồn động viên, khích lệ để thợ lò yên tâm gắn bó với công việc, trở thành động lực giúp họ phấn đấu, cống hiến cho ngành than.

Bài và ảnh: MINH NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41442402-%E2%80%9Cgiu-chan%E2%80%9D-tho-lo.html