Giữ gìn đoàn kết trong Đảng

Trần Tú

BPO - Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Những năm qua, Đảng ta đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố và phát huy mạnh mẽ hơn nữa khối đoàn kết trong Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII thẳng thắn chỉ ra: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm”.

Bài 2
“BẮT BỆNH” MẤT ĐOÀN KẾT

Việc mất đoàn kết xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan. Trong đó có thể kể đến:

Chưa chọn “đúng mặt” để “gửi vàng”

Con đường ngắn nhất phá vỡ khối đoàn kết nội bộ chính là những sai lầm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, đặc biệt là khi không chọn “đúng mặt” để “gửi vàng”, giao quyền lực cho những người vô đức, kém tài.

Hơn 30 năm trước, ngày 25-12-1991, lá cờ đỏ của Liên Xô tại Phủ Tổng thống bên trong Điện Kremlin ở Moscow được hạ xuống, đánh dấu sự chấm dứt của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết sau gần 70 năm tồn tại. Đây là dấu mốc đầy đau đớn của xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch này là sự phản bội của Gorbachev, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Xô Viết. Với vai trò là người đứng đầu, Gorbachev đã hạ bệ nhiều quan chức cao cấp, nhiều chuyên gia giỏi, loại bỏ những người cộng sản chân chính khỏi bộ máy. Có thời điểm hơn 100 ủy viên Trung ương bị đưa ra khỏi Ủy ban Trung ương cùng một lúc. Song song đó, ông ta cũng đưa thân tín vào nhiều vị trí quan trọng. Bằng thủ đoạn này, Gorbachev đã lũng đoạn, gây mất đoàn kết, làm suy yếu Đảng Cộng sản Liên Xô. Với hơn 5,5 triệu đảng viên, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân đánh bại phát xít Đức. Vậy nhưng sau hơn 70 năm, với gần 20 triệu đảng viên và hơn 5 triệu quân nhân, Liên Xô đã tự sụp đổ một cách cay đắng, các đảng viên chỉ biết đứng nhìn trong bất lực. Nhắc lại câu chuyện này để thấy vai trò của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong việc củng cố, phát huy khối đoàn kết trong Đảng là đặc biệt quan trọng.

Đúc kết về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đứng đầu các cấp, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã nhấn mạnh: “Chỉ nhân tài mới nhìn thấy, mới mời gọi, thu nạp được nhân tài và phục tùng lẫn nhau. Không nên để những bậc nhân tài cùng một “trướng” với những kẻ tiểu kỷ, tham lam. Trái thế, ắt “cỏ thường tươi tốt, hoa thường héo”, nhân tài ngoảnh mặt và bỏ đi!”1. Suy rộng ra, muốn đoàn kết nội bộ thì trước hết, cấp ủy, nhất là người đứng đầu các đơn vị phải thực sự có uy tín, có năng lực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người. Chỉ có như vậy, họ mới đủ khả năng để quy tụ cán bộ, đảng viên.

Các tiền nhân cũng răn dạy: không nhìn thấy, thấy mà không nhận ra nhân tài là tội nhỏ; tội to hơn là biết là nhân tài mà không dùng; tội to hơn nữa là dùng mà không tin nhân tài; trọng tội là khi trọng dụng mà không bảo vệ được nhân tài; cộng cả 4 tội ấy cũng không nặng bằng tội đem cái mũ của bậc nhân tài đội lên đầu kẻ bất tài, vô hạnh; còn trù dập, sát hại nhân tài là đại trọng tội.

Tuy nhiên, tại nước ta, có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng đem cái mũ của bậc nhân tài đội lên đầu kẻ bất tài, vô hạnh; đặt những người không có thực tài hoặc tài không đi liền với đức ngồi vào các vị trí lãnh đạo một cách “đúng quy trình” nhưng không nhận được sự nể phục của cấp dưới. Như Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đánh giá: tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Thượng bất chính, hạ tất loạn” là vấn đề đã được lịch sử tổng kết. Lãnh đạo, chỉ huy không “chính” thì rất khó để trở thành hạt nhân đoàn kết đơn vị. Nguy hiểm hơn, những kẻ này khi nắm quyền lực sẽ rất dễ ghen ghét, đố kỵ và tìm cách loại bỏ người tài, xây dựng nên những nhóm “tay chân”, khiến nội bộ lục đục, mất đoàn kết.

Khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ

Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã nhấn mạnh: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đoàn kết chỉ có thể tồn tại ở những nơi có cán bộ, đảng viên tốt và công tác cán bộ được thực hiện bài bản, công bằng, khách quan, đúng quy định. Ngược lại, ở những nơi cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân; công tác cán bộ bị ngó lơ, bỏ mặc hoặc thực hiện không nghiêm túc, có sai phạm thì nơi đó ắt xảy ra mất đoàn kết.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn nhận diện và chỉ ra tồn tại, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Đó là thực trạng tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực. Ngay từ khâu đầu vào, đã có những người vào Đảng chỉ để “làm quan phát tài”, thăng tiến công danh mà không có “tính Đảng”, không hề quan tâm đến lý tưởng cách mạng, không nhằm mục đích phục vụ nhân dân. Đó là vấn đề quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp. Đó là vấn nạn chạy quy hoạch, chạy phiếu, chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ…

Rõ ràng, với những người có năng lực nhưng không được trọng dụng, cất nhắc chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, bất cần, thui chột ý chí phấn đấu, nghiêm trọng hơn là bất mãn, suy thoái. Ngược lại, khi trọng dụng những người “bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm” như cách mô tả của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ kéo theo rất nhiều tác hại. Thời gian vừa qua, tình trạng “chảy máu chất xám” ra khỏi khu vực công và việc cán bộ, công chức ồ ạt xin nghỉ việc một phần cũng là bởi cấp ủy, người đứng đầu đơn vị chưa thực sự đoàn kết được cán bộ, chưa giúp cán bộ yên tâm công tác…

Rõ ràng, những sai lầm, hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ đã dẫn đến việc nhiều đảng viên mắc phải “bệnh hẹp hòi”. Về tác hại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa... đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”2.

Sự chống phá quyết liệt của thế lực thù địch

“Diễn biến hòa bình” vẫn luôn được các thế lực thù địch thực hiện nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Cùng với việc tuyên truyền những thông tin sai trái, lệch lạc, cổ xúy các quan điểm sống thiếu lành mạnh, những kẻ này còn luôn tìm cách mua chuộc, lôi kéo người có chức vụ, uy tín trong các cơ quan đảng, nhà nước, những người có tư tưởng dao động, nhận thức lệch lạc hoặc bất mãn để tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ. Thông qua các hoạt động phá hoại ngầm, “khoét sâu nội bộ”, chúng từng bước dùng áp lực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để chuyển hóa Đảng “trong bình lặng”.

Thực tế, dưới tác động của những “viên đạn bọc đường”, đã có không ít đảng viên sa ngã, hư hỏng. Có những người từng là cán bộ giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước nhưng khi nghỉ hưu lại suy thoái nghiêm trọng. Những người này thường xuyên “kể công” với Đảng, cho rằng trí tuệ của mình là “vượt trên Đảng”, đòi Đảng phải “cảm ơn”, “phục tùng”, “ưu đãi”. Đến khi những yêu cầu không được đáp ứng, thỏa mãn thì cay cú, bực tức, trở cờ, tung ra các “thư ngỏ”, “kiến nghị” để tố cáo Đảng, phá hoại chủ trương, đường lối của Đảng, gây nhiễu loạn nội bộ. Tại hội nghị cán bộ toàn quốc, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (chiếm 0,5% tổng số đảng viên). Điều này cho thấy dưới tác động của các thế lực thù địch và nhiều nguyên nhân khác, không ít cán bộ, đảng viên đã suy thoái, diễn biến, trở thành những “mầm cỏ dại” lây lan và làm mất đoàn kết nội bộ.

Dù là từ nguyên nhân gì, tình trạng mất đoàn kết cũng gây ra vô số hệ lụy. Không chỉ dừng lại ở thiệt hại về vật chất, kinh tế, mất đoàn kết là một “quái bệnh” phá vỡ sự ổn định của thể chế chính trị, làm suy giảm sức đề kháng của chế độ.

1https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi-can-bo-dung-dau-bo-may-cac-cap-phai-that-su-la-tam-guong-mau-muc-nhan-van-trong-dai-nhan-tai-i327040/
2Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.5, tr.276.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/148295/giu-gin-doan-ket-trong-dang