Giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê
Có lẽ, không nhiều địa phương sở hữu số lượng di tích lớn đến như Hoằng Lộc (hơn 10 di tích). Ở đây, di tích không bị xem là 'gánh nặng' trong việc giữ gìn, trùng tu. Ngược lại, khi cần phải có sự đóng góp, thì mỗi gia đình, người dân đều 'nhận' lấy về mình một phần trách nhiệm.
Từ những “miền quê đáng sống”
Hoằng Lộc - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và khoa cử, tự bao đời nay vẫn được gọi tên “đất học”. Là bởi, từ cách đây cả ngàn năm trước có danh tướng Nguyễn Tuyên uy dũng xuất chúng đã lập đại công giúp Vua Lý dẹp giặc Chiêm Thành. Rồi những Thám hoa Nguyễn Sư Lộ, Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất… đều là những danh sĩ xuất chúng, tiếng thơm lưu sử sách. Đặc biệt, Hoằng Lộc có Bảng Môn đình - “biểu tượng” của sự học nơi đây. Nếu ai đó đã một lần ghé thăm vùng đất này, hẳn vẫn còn ấn tượng với không gian văn hóa làng quê truyền thống.
Có lẽ, không nhiều địa phương sở hữu số lượng di tích lớn đến như Hoằng Lộc (hơn 10 di tích). Ở đây, di tích không bị xem là “gánh nặng” trong việc giữ gìn, trùng tu. Ngược lại, khi cần phải có sự đóng góp, thì mỗi gia đình, người dân đều “nhận” lấy về mình một phần trách nhiệm. Dễ hiểu vì sao, di tích trên địa bàn xã, từ đình làng, đền thờ, chùa… đều được chăm lo, gìn giữ với sự trân trọng, biết ơn của hậu thế dành cho tiền nhân. Từ đường lớn đến ngõ nhỏ ở nơi đây, bạn đều “bắt gặp” các di tích. Di tích như những điểm nhấn mang giá trị cho bức tranh làng quê.
Nông thôn mới cũng khiến cho Hoằng Lộc đổi thay từng ngày. Những con đường thảm nhựa sạch sẽ, đường làng ngõ xóm phong quang, đời sống người dân tốt dần lên. Hiện đại mà không mất đi nét đẹp truyền thống. Nếu như, giếng làng từng là “sản phẩm” cộng đồng của cha ông trong lịch sử ở hầu hết các làng quê Việt, khi cuộc sống hiện đại phát triển với những giếng khoan, nước máy thay thế, nhưng giếng làng vẫn được giữ gìn như những “kỷ vật” một thời. Cũng như giếng làng, ao làng tại đây được người dân cải tạo cho sạch sẽ, thoáng mát, để mỗi buổi chiều, dưới rặng dừa soi bóng xuống ao làng, người già, trẻ nhỏ được nhàn nhã đàm đạo, kể chuyện từ thuở cha ông xưa.
Và người ta gọi Hoằng Lộc là miền quê đáng sống. Không hẳn vì đây là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, mà quan trọng hơn, ở nơi này những giá trị văn hóa truyền thống, không gian làng quê đã và đang được bảo tồn trong sự phát triển của đời sống hiện đại. Dĩ nhiên, đó là công sức của cả cộng đồng, với những người dân hiểu, yêu và trân quý giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.
Cũng như Hoằng Lộc, xã Định Tân (Yên Định) là nơi miền quê đáng sống với những di tích được trùng tu, tôn tạo; những truyền thống văn hóa, nét đẹp quê hương được giữ gìn, trao truyền với niềm tự hào. Và trong nhịp chảy trôi của đời sống hiện đại, người dân dù sống sau lũy tre làng vẫn “sống vui, sống khỏe” với nghề truyền thống cha ông. Về Định Tân, ghé thăm làng Yên Hoành sẽ là “thiếu sót” nếu chưa thưởng thức đậu phụ vàng và bánh đa. Vẫn là món quà quê dân dã, nhưng ở vùng đất này, có hương vị thật sự khác. Hay ghé thăm đình làng Yên Định, để nghe người dân tự hào kể về truyền thống học hành, khoa bảng. Và cảm nhận được “nhịp sống” vui vẻ, hạnh phúc của người dân địa phương.
Lại nói đến những miền quê đáng sống. Một điểm dễ nhận thấy khi trở về những vùng đất này là “giao hòa” giữa truyền thống và hiện đại trong không gian văn hóa làng quê. Ở đó, những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được trân trọng giữ gìn. Văn hóa, có thể hữu hình như cây đa, giếng nước, sân đình nhưng cũng có thể “vô hình” như lễ hội, lễ tục tốt đẹp. Dẫu vậy, dù là hữu hình hay vô hình, văn hóa truyền thống vẫn là “sức mạnh mềm” để không chỉ tạo nên nét đẹp riêng của một vùng quê, mà từ văn hóa người ta có thể tạo ra những giá trị, sức mạnh lớn hơn cho cộng đồng.
Ai cũng có một quê hương để sinh ra, lớn lên, đi ra và trở về. Trong tâm thức mỗi người, quê hương vẫn luôn là điều gì đó thật ngọt ngào, để dẫu đi xa muôn phương thì vẫn luôn nhớ đến da diết những ngày lễ trọng của quê hương. Nơi ấy, có ban thờ tổ tiên, có cha mẹ, có người thân, có ngôi đình làng thuở nhỏ ta vẫn thường theo mẹ dâng hương lên Thành hoàng; là con đường làng rợp bóng dừa xanh mà ta đã đi mòn lối… Tất cả tạo nên nét đẹp riêng của mỗi làng quê.
Đến việc gìn giữ không gian văn hóa làng
Dẫu vậy, trong sự phát triển hiện đại, không phải làng quê nào cũng đủ “bản lĩnh” để níu giữ lại những giá trị văn hóa làng truyền thống. Ở nhiều nơi, cây đa giếng nước sân đình giờ chỉ còn là ký ức kể lại của những bậc cao niên. Hay ngôi đình thờ vị Thành hoàng làng có công lao với dân, với nước vốn quanh năm thơm khói hương được dựng lên từ biết bao công sức của cha ông xưa, giờ đây bỗng trở nên quạnh vắng, xuống cấp chẳng mấy người quan tâm. Người ta có thể mâm cao cỗ đầy đi dâng lễ ở đền phủ xa cách nhà hàng chục, hàng trăm cây số vì tin rằng có thể xin được “lộc”, nhưng lại khó khăn, thiếu thốn và ơ hờ ngay với chốn tâm linh quê nhà. Rồi sẽ đi về đâu, những di tích có tuổi đời hàng trăm năm trong tình trạng phải chắp nối, che đậy chống xuống cấp vì chưa có kinh phí trùng tu. Nếu một ngày, ngôi đình làng cổ kính đó chẳng may không còn đủ sức mà chống đỡ trước mưa nắng mà đổ xuống, liệu có ai xót xa cho “mảnh hồn làng”?!
Rồi cả câu chuyện xây dựng nông thôn mới. Xin đừng vội vàng, cứng nhắc “xóa” đi những dấu tích cũ. Xây giếng làng mới khó, lấp giếng thì dễ; cải tạo ao làng mới khó, đổ đất lấp ao dễ vô cùng; tuyên truyền để người dân hiểu và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mới khó, chứ bỏ hoang thì thực sự dễ dàng. Nói về việc giữ gìn không gian văn hóa làng truyền thống, ông Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa (nay là Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa) chia sẻ quan điểm: “Do đặc thù địa hình mà ở mỗi làng quê đã hình thành không gian văn hóa riêng trong sự tương đồng của bức tranh làng quê Việt. Để bảo tồn không gian văn hóa làng truyền thống, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức ở các cấp chính quyền đến người dân để có những định hướng, tuyên truyền và ứng xử đúng, phù hợp”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/giu-gin-net-dep-nbsp-van-hoa-lang-que/25640.htm