Giữ gìn văn hóa của người Mạ ở Đắk Som

Những năm gần đây, xã Đắk Som, huyện Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông là điểm đến của nhiều khách du lịch. Với niềm đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, những nghệ nhân người dân tộc Mạ ở Đắk Som vẫn ngày đêm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Anh K’Duyn đang cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Mạ. Ảnh: Ái Vân

Anh K’Duyn đang cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Mạ. Ảnh: Ái Vân

Đắk Som nằm tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, có dân số trên 11.000 người, với 80% là người dân tộc thiểu số, trong đó có 2 dân tộc cùng sinh sống là dân tộc Mạ và dân tộc Mông. Người Mạ là dân bản địa, tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, phương ngữ tương đồng với dân tộc Mạ sinh sống ở khu vực lân cận của tỉnh Lâm Đồng. Từ tháng 8-10 có mưa dầm, nhưng trên tuyến đường dẫn đến bon, làng nơi đồng bào dân tộc Mạ luôn sạch sẽ, bởi đường đi đã được bê tông hóa kiên cố.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm ở Đắk Som được xây dựng đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Người Mạ đã định canh, định cư chủ động phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống, học tập cùng với các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Đến nay, người Mạ cũng trồng tiêu, cà phê, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 43,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,4%, giảm 23,71% so với năm 2021; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 2,24%, giảm 41,43% so với năm 2021. 5 bon đồng bào dân tộc bản địa hôm nay đã và đang phát triển về mọi mặt.

Đắk Som những năm gần đây có mặt trên bản đồ du lịch với những điểm đến nổi tiếng như hồ Tà Đùng, Vườn quốc gia Tà Đùng, thác đá Granite, miếu thần đá, cây di sản... Đắk Som còn được chọn là nơi diễn ra một số sự kiện văn hóa, thể thao, là điểm dừng chân của hàng ngàn du khách mỗi dịp lễ, Tết.

Diện mạo Đắk Som đổi thay, nếp sống mới lan tỏa đến mọi gia đình, văn hóa có sự tiếp biến, chọn lọc, không còn nóc nhà truyền thống, mái lá rủ xuống thấp, cửa vòm, thay vào đó là những căn nhà xây khang trang và nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn luôn hiện hữu. Đắk Som được ví như kho tàng dân gian đậm chất rừng giữa thời hiện đại, chỉ cần đến bon, làng hòa mình vào cuộc sống của bà con nơi đây thì thấy hồn cốt Tây Nguyên còn đó cùng với thời gian. Đó là những vuông vải thổ cẩm chị em dệt lúc nông nhàn, những bộ trang phục truyền thống đặc sắc được bà con trưng diện trong những sự kiện trọng đại của cộng đồng, gia đình. Đó là những món ăn đậm đà truyền thống được chế biến từ măng rừng, lá nếp, đọt mây...

Người Mạ làm du lịch dẫu còn nhiều bỡ ngỡ, chính sự chất phác, mộc mạc của họ đã tạo nên những nét riêng của con người nơi đây. Như anh K’Duyn, quê gốc ở xã Đắk Som, sau thời gian đi xa làm ăn, nay trở về quê lập nghiệp, anh canh tác hơn 2ha sầu riêng, kiêm thêm nghề hướng dẫn khách du lịch. Anh vừa nhanh nhẹn, vừa am hiểu văn hóa truyền thống, vừa kết nối được với nhiều khách du lịch từ khắp mọi miền. K’Duyn có thể đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách về hồ Tà Đùng, thác Ba Tầng, thác đá Granite, địa điểm săn mây, bãi đất cắm trại, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mạ... Với lợi thế là người địa phương, anh K’Duyn biết khai thác văn hóa bản địa nổi bật, đặc sắc thành sản phẩm du lịch, sẵn sàng liên kết với các nghệ nhân, già làng, đội chiêng dân tộc Mạ trong và ngoài xã để phục vụ cho du khách khi đến với Đắk Som.

Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Mạ có năng khiếu âm nhạc đặc biệt, mê tấu chiêng, thích hát Tăm Pớt. Nhiều nghệ nhân biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau. Điển hình như nghệ nhân K’Krong, từ những quả cầu, ống nứa, sáp ong qua đôi tay khéo léo của ông đều trở thành nhạc cụ. Đồng thời, qua đôi tai thẩm âm nhạy bén của ông, các nhạc cụ sau khi chế tác đều phát ra âm thanh trầm bổng, réo rắt, trong trẻo đầy lôi cuốn. Còn Nghệ nhân Ưu tú H’Gao, năm nay đã 76 tuổi, rất mê thổi Tong, loại nhạc cụ nhỏ bé này được bà mang theo bên mình để khi rảnh rỗi lại mang ra thổi. Không những thế, bà H’Gao còn chơi thành thục nhiều loại nhạc cụ của người Mạ như thổi M’buốt, đánh chiêng, có thể hát khoảng 100 bài dân ca tiếng Mạ. Bà trở thành cầu nối quan trọng giữa không gian văn hóa giàu chất nhạc xưa với những người trẻ hôm nay.

Người Mạ rất yêu rừng, giữ rừng vì những khu rừng không chỉ là nguồn tài nguyên, hệ sinh thái mà rừng chính là cội nguồn của đời sống tâm linh, nơi khởi nguồn văn hóa của người Mạ. Hiện nay, tuy diện tích rừng ở nhiều nơi bị thu hẹp, người Mạ ở Đắk Som vẫn là cộng đồng may mắn được sống gần rừng. Dân tộc Mạ vẫn mang đậm nét văn hóa từ rừng, những món ăn đặc sắc từ rừng, nhạc cụ làm từ nguyên liệu trong rừng, âm nhạc mô phỏng tiếng nước chảy, gió reo, lá xào xạc, tiếng vọng tổng hợp âm thanh từ đại ngàn. Hay lễ cúng thần rừng của một số buôn, làng như một cách thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cội nguồn văn hóa.

Không gian rừng, không gian buôn, làng dân tộc Mạ chính là một phần không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hơn ai hết, mỗi người Mạ hiểu rõ vai trò của rừng, kiên định bảo vệ diện tích rừng ở khu dân cư, tham gia bảo vệ Vườn quốc gia Tà Đùng.

Người già sở hữu chiều sâu văn hóa, bề dày vốn sống, người trẻ yêu văn hóa truyền thống, uyển chuyển hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, cháy bỏng ước mơ vươn lên thoát nghèo. Điểm chung giữa các thế hệ đồng bào dân tộc Mạ là cùng hướng về tương lai, tin tưởng những điều tốt đẹp.

Trải qua nhiều đổi thay, các thế hệ người Mạ luôn bình dị, hiền hòa, chất phác, chủ động vươn lên cải thiện chất lượng cuộc sống, lặng lẽ trao truyền các giá trị tốt đẹp, tiếp thu cái mới và giữ gìn văn hóa truyền thống, góp phần tạo nên nét đặc sắc của vùng đất Đắk Som.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-gin-van-hoa-cua-nguoi-ma-o-dak-som-post483085.html