Giữ lời thề của người làm báo cách mạng

Không như hiện nay có nhiều trường đại học khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đào tạo chuyên ngành báo chí, cách đây 30 năm, học sinh khu vực phía Nam nếu muốn thi vào đại học ngành báo chí thì chỉ có Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Một điều may mắn là trong 3 năm 1992, 1993 và 1994, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức tuyển sinh đào tạo phóng viên báo chí dành cho khu vực phía Nam.

Tại phía Nam, học viện chỉ mở 3 khóa, mỗi khóa không quá 30 sinh viên. Có thể thông tin không được phổ biến, lúc đó nghề báo chưa được ưa chuộng hoặc nhiều học sinh ngần ngại khi môn thi vào trường là Văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí thay vì Địa lý, nên cả 3 lớp báo 11, 12, 13 cộng lại không đầy 70 sinh viên. Được đào tạo ở trường Đảng, chúng tôi cảm thấy mình thật sự rất may mắn khi đã thấm nhuần chủ trương, quan điểm, đường lối và yêu cầu của phóng viên báo chí cách mạng... ngay từ rất sớm.

Phương châm, chủ trương, đường lối…

May mắn là điều mà chúng tôi chỉ nhận ra sau khi đã trải qua nhiều năm làm báo, còn ngay lúc đó là sự lo lắng khi phải tiếp nhận những kiến thức vừa lạ lẫm vừa khó hiểu về Đảng. Trong khi sinh viên ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh không phải học môn Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam thì đó còn là môn thi tốt nghiệp của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và đó chắc chắn là thử thách vô cùng lớn với những người chưa biết tổ chức Đảng là gì, Đảng hoạt động ra sao…

Nếu ở hiện tại, mọi thứ sẽ được giải quyết rất nhanh với sự hỗ trợ của công cụ tìm kiếm, nhưng ở thời điểm 30 năm trước, Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam là một thế giới vô cùng khó hiểu. Kết quả thi hết môn với số điểm “vừa đủ đậu” đã dẫn tôi đến một quyết định “đánh đổi” khi ôn thi tốt nghiệp: dành thời gian cho môn này, bỏ qua môn Cơ sở lý luận báo chí với lý do, chuyên ngành thì có thể “phăng” được, nhưng lý luận về Đảng thì không thể. Và tôi đã thuộc làu làu đến từng dấu chấm, dấu phẩy của Văn kiện Đại hội VIII của Đảng, để sử dụng cho phần liên hệ thực tế.

Mà đâu chỉ có môn học nêu trên, ngay trong các môn chuyên ngành, không chỉ học về tin, phóng sự, chụp ảnh, ghi hình, về quá trình lao động sáng tạo, chúng tôi đã được các giảng viên giáo huấn rất nhiều về bản lĩnh của một người làm báo cách mạng. Ngoài những yêu cầu về năng lực, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp là điều được các giảng viên nhắc đi nhắc lại qua 4 câu thơ lục bát mà đến nay tôi vẫn thuộc nằm lòng:

“Ngang hông thì thắt phương châm
Đầu đội quan điểm, tay cầm chủ trương
Hai chân đứng vững lập trường
Mắt nhìn chỉ thị, thẳng đường tiến lên!”.

Thế đó, ngay từ khi chập chững “học nghề” ở trường Đảng, chúng tôi đã được dạy dỗ rất khác, đặc biệt chú trọng đến tính Đảng của báo chí cách mạng, trau dồi đạo đức của người làm báo. Báo chí không chỉ đưa tin mà còn phục vụ lợi ích của Đảng, của dân tộc, nhân dân lao động. Báo chí cách mạng khác hoàn toàn với báo chí phương Tây, không phải là cơ quan quyền lực thứ tư để ảo tưởng. Người làm báo cách mạng cũng như bao người làm nghề khác, không phải tự cho mình quyền được phê phán, đánh giá hoặc chỉ đạo bằng những trang viết, câu từ.

Sự thật là sức mạnh của báo chí cách mạng

Trong dòng chảy 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, lịch sử còn ghi lại bao cống hiến, hy sinh của những người làm báo đi trước. Họ là những nhà báo - chiến sĩ đã đổ máu xương, tính mạng của mình nơi chiến trường, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ là những nhà báo sẵn sàng lao vào vùng khó khăn nhất nơi biên giới, hải đảo để có những tác phẩm đầy xúc động về bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Họ là những nhà báo không ngại hiểm nguy, dấn thân với những tác phẩm điều tra công phu về mặt tối của xã hội, đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng, tiêu cực, mang đến cho công chúng những tác phẩm thật sự giá trị, lấp lánh niềm tin vào chân lý. Góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng xã hội tiến bộ là sứ mệnh cao cả của báo chí và thực hiện sứ mệnh đó chính là những người làm báo cách mạng.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước thực hiện một cảnh quay giới thiệu về nhạc sĩ Xuân Hòa - Ảnh: Trương Hiện

Những sinh viên báo chí được đào tạo từ trường Đảng lứa chúng tôi, hôm nay đa số vẫn chọn gắn bó với nghề và ít nhiều đều tạo dấu ấn trong các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương. Dấu ấn đó không đo bằng các giải thưởng, vị trí công tác đang đảm nhận mà chính là ở chỗ làm nghề tử tế, những tác phẩm có chính kiến chứ không phải dạng “ăn theo, nói leo”.

“Ăn theo, nói leo” cũng là cụm từ mà chúng tôi đã được các giảng viên nhắc nhở phải hết sức tránh khi chọn làm nghề báo. Bản lĩnh của nhà báo thể hiện ở chính mỗi sản phẩm báo chí, ở những vấn đề lựa chọn, ngôn từ sử dụng, những nhân vật mà mình gặp gỡ… Mỗi tác phẩm báo chí phải thể hiện được chủ ý của tác giả, không a dua theo đám đông, vô thưởng vô phạt và không tạo ra bất cứ giá trị nào cho cộng đồng.

Tôi tin rằng, với những người làm báo có trách nhiệm, rất tâm đắc với bình luận của nhà báo Đoàn Xuân Thắng (VTV): “Làm báo: Hoặc là ngồi im ngẫm. Hoặc là xông pha chiến trận và chuyển tải những gì chân thật nhất”.

Làm báo tử tế

Tự hào bước ra từ trường Đảng, tự hào là một phóng viên báo chí cách mạng, tự soi rọi lại chặng đường làm báo hàng chục năm qua, dù không có những cống hiến lớn lao nhưng lớp chúng tôi chưa bao giờ thôi yêu nghề cầm bút, vẫn thích đi và viết, mang hơi thở cuộc sống vào trong tác phẩm của mình.

Chỉ nói về điều kiện tác nghiệp, làm báo giai đoạn hiện nay có những thuận lợi hơn so với khi lớp chúng tôi chập chững bước vào nghề bởi có sự hỗ trợ của công nghệ. Những người làm báo gen Z hôm nay không phải kè kè cuốn sổ tay để ghi chép lại những thông tin cần thiết, hoặc những trích dẫn tâm đắc để phòng khi cần đến, bởi đã có “bách khoa toàn thư Google” giúp quá trình làm nghề đỡ vất vả hơn rất nhiều. Phóng viên thậm chí không cần nghe ngóng, quan sát xung quanh mình cũng tìm thấy đề tài từ mạng xã hội. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Chính điều đó đã sản sinh ra những “nhà báo bàn giấy”, “phóng viên salon”, chẳng cần đi thực tế cũng có sản phẩm đăng báo. Và dĩ nhiên, không thể đòi hỏi gì hơn ở những tác phẩm nhàn nhạt, vay mượn đó…

Nền báo chí cách mạng Việt Nam sắp bước vào tuổi 100. Mái nhà chung đó đã và đang dưỡng nuôi những người làm báo chiến trường, những người làm báo trong thời kỳ xây dựng đất nước. Mỗi giai đoạn mỗi nhiệm vụ, nhưng đòi hỏi của nghề báo và người làm báo cách mạng vẫn không thay đổi: giữ gìn tính Đảng, phục vụ cho lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sứ mệnh đó chỉ hoàn thành khi trong quá trình hoạt động, cơ quan báo chí và người làm báo tôn trọng sự thật, sẵn sàng dấn thân bảo vệ lẽ phải và nói lên được tiếng nói của quần chúng nhân dân.

Với những y, bác sĩ, lời thề Hippocrates là những lời tuyên thệ giữ y đức, làm tròn chức trách chữa bệnh cứu người. Còn với những người làm báo, đó là 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, kim chỉ nam để làm báo tử tế.

Giữ lời thề của người làm báo cách mạng, cốt lõi vẫn là ghi nhớ và thực hiện được nguyên tắc mà nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam từng nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là một giá trị của văn hóa báo chí. Cho dù đổi mới như thế nào thì lý tưởng làm nghề, đạo đức của nghề báo không thể khác. Đó là khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, để cái tốt không lùi bước trước cái ác và cái xấu.

Nghề báo, người làm báo được xã hội trân trọng cũng vì làm nghề tử tế.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/163488/giu-loi-the-cua-nguoi-lam-bao-cach-mang