Giữ mãi màu xanh những cánh rừng

Canh Tý khép lại, ghi nhận một năm nhiều nỗ lực cố gắng của ngành kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững.

Lực lượng kiểm lâm Mộc Châu triển khai các phương án bảo vệ, PCCCR.

Lực lượng kiểm lâm Mộc Châu triển khai các phương án bảo vệ, PCCCR.

Tiếp chúng tôi ngày đầu năm mới, ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, phấn khởi thông báo: Năm 2020, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của nhân dân, toàn tỉnh đã tổ chức quản lý, bảo vệ tốt 641.435 ha rừng hiện còn; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, số vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với năm trước; toàn tỉnh đã trồng được gần 1 triệu cây phân tán và 2.295 ha rừng tập trung. Năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 42,3%, thì đến hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 45,4%, hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm qua là Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai chính sách và giải pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đất quy hoạch 3 loại rừng chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, gồm: 87.851 ha đất rừng và rừng đặc dụng, 377.909 ha đất rừng và rừng phòng hộ, 352.130 ha đất rừng và rừng sản xuất. Để quản lý tốt quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp thu hút đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế của chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sinh kế lâu dài, ổn định cho nhân dân, Chi cục đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng để triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển lâm nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ xúc tiến khoán khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và tổ chức trồng mới rừng, bảo vệ và trồng rừng, hỗ trợ các bản vùng đệm theo chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Qua đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơ sở làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình là bản Nhộp, xã Chiềng Bôm (Thuận Châu), với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống trong vùng đệm khu vực của rừng đặc dụng - phòng hộ. Trước đây do tập quán canh tác, bà con thường xuyên phá rừng làm nương, săn bắt thú hoang dã. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc và các chính sách phát triển lâm nghiệp, nhận thức của người dân đã thay đổi, bà con tích cực tham gia khoán khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng và PCCCR. Ông Lường Văn Mua, trưởng bản, cho biết: Ở bản bây giờ không còn đất trống, đồi trọc, không còn tình trạng phá rừng làm nương. Với sự hỗ trợ của các dự án phát triển lâm nghiệp và tiền được hưởng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con đã tích cực đăng ký tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng.

Công tác bảo tồn thiên nhiên được tăng cường, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên và Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Thường xuyên phối hợp với các xã, bản tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, PCCCR, quản lý lâm sản. Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, ngoài việc thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, công tác bảo vệ, phát triển rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên được triển khai hiệu quả. Đặc biệt là các chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, những tác động tiêu cực đến rừng đã giảm và tạo được sinh kế lâu dài, ổn định, giúp người dân sống được bằng nghề rừng.

Đón xuân Tân Sửu, với quyết tâm giữ màu xanh cho những cánh rừng, lực lượng kiểm lâm tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tận gốc, giữ vững diện tích rừng hiện có, tập trung trồng mới rừng và xúc tiến khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo sinh kế lâu dài, ổn định cho nhân dân sinh sống bằng nghề rừng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giu-mai-mau-xanh-nhung-canh-rung-37668