Giữ 'nhịp đập' thời gian

Được xem như một trong số ít nghề xưa cũ còn tồn tại theo vòng quay thời gian, những người thợ sửa đồng hồ vẫn ngày ngày cặm cụi, tỉ mỉ với kim giây, kim phút, kim giờ. Không biết tự bao giờ, công việc của họ lại được khách hàng ví bằng cái tên rất mỹ miều - 'người lắng nghe nhịp đập của thời gian'. Với họ, đến với nghề không chỉ để mưu sinh mà còn để góp phần gìn giữ những ký ức, kỷ niệm tươi đẹp cho mỗi khách hàng.

Những người thợ sửa đồng hồ vẫn cần mẫn dù nghề này đã trải qua nhiều thăng trầm. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cặm cụi sửa đồng hồ cho khách

Những người thợ sửa đồng hồ vẫn cần mẫn dù nghề này đã trải qua nhiều thăng trầm. Ảnh: Ông Đặng Văn Sơn cặm cụi sửa đồng hồ cho khách

“Bác sĩ” của thời gian

Tại TP. Đồng Xoài, Điểu Ong là con đường có đông người đang lựa chọn để hành nghề sửa đồng hồ mưu sinh. Đa phần họ đều có thời gian làm nghề từ 20-30 năm, khi Đồng Xoài còn là 1 thị trấn nhỏ. Hơn 20 năm làm nghề, cửa hàng sửa đồng hồ Phương Nam đơn giản chỉ là 1 chiếc tủ trưng bày nhỏ, nằm ở 1 vị trí khiêm tốn bên đường Điểu Ong. Niềm vui của anh Nguyễn Văn Nam - chủ tiệm là mỗi ngày được cặm cụi với từng chiếc đồng hồ của khách hàng. Xác định ngoài giá trị, đôi khi chiếc đồng hồ còn là kỷ niệm, là ký ức của khách hàng, nên những người thợ như anh cũng phải nghiên cứu thật kỹ để “bắt” và “chữa” đúng “bệnh” cho đồng hồ của khách. Anh Nam chia sẻ: Khi khách hàng mang đồng hồ đến tiệm mình để sửa, tức là họ đã tin tưởng tuyệt đối mình, bởi đó là 1 tài sản có giá trị. Mình là thợ, làm sao để sửa hiệu quả nhất, đáp ứng niềm tin của khách hàng.

Ngày nay, đồng hồ trở thành loại trang sức quen thuộc với nhiều người và đa dạng từ mẫu mã, thiết kế cho đến màu sắc. Thế nhưng về cấu tạo, chủ yếu vẫn có 2 loại là đồng hồ cơ và đồng hồ điện tử. “Bệnh” của mỗi loại theo đó cũng khác nhau. Nếu như chữa “bệnh” của đồng hồ điện tử, đơn giản chỉ là thay pin, thay mặt kiếng, dây đeo thì 1 chiếc đồng hồ cơ sẽ vất vả hơn rất nhiều. “Bệnh” của đồng hồ cơ liên quan đến việc lau dầu, chỉnh lại thời gian… đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn nghiên cứu và mất khá nhiều thời gian để sửa. Nhiều người thường nói vui rằng, thợ sửa đồng hồ lâu năm cũng giống như một bác sĩ giỏi, bởi họ có thể “bắt” được mọi loại “bệnh” cho chiếc đồng hồ bằng kinh nghiệm của mình. Để thực hiện tốt những thao tác đó và sống trọn với nghề, những người thợ phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, trong đó những kiến thức cơ bản là yếu tố quyết định. “Có những chiếc đồng hồ đơn giản, chỉ cần 10-15 phút là sửa xong. Nhưng có chiếc phải sửa mất 2-3 ngày, bởi nhiều linh kiện và cấu tạo phức tạp. Hơn 20 năm làm nghề, mỗi ngày nhận hàng từ khách là một ngày phải học và nghiên cứu mới, đặc biệt là rèn cho mình sự trầm tính và nhẫn nại mới làm được nghề. Khi lấy được thời gian cho chiếc đồng hồ tức là mình đã hồi sinh được 1 kỷ vật cho khách, chúng tôi rất vui” - ông Đặng Văn Sơn, chủ tiệm sửa đồng hồ Thế Sơn cho biết.

Hồi sinh kỷ vật thời gian

Với những người thợ sửa đồng hồ tại TP. Đồng Xoài, bám trụ và duy trì nghề, ngoài mưu sinh, đó còn là cách để họ giữ gìn những kỷ niệm, ký ức hay đơn giản là giúp khách hàng tôn lên sự lịch lãm, thời thượng của chiếc đồng hồ mà mình đang sở hữu. Ông Sơn nhớ lại: Có một thời gian, người ta không thích đeo đồng hồ vì sự chiếm lĩnh thị trường của điện thoại di dộng. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, xu hướng đeo đồng hồ lại được nhiều người lựa chọn. Có người sở hữu hàng chục cái, từ bình dân đến cao cấp. Sự thay đổi đó cũng góp phần làm cho nghề của chúng tôi “khá” trở lại nên tôi làm nghề vẫn thấy vui và thích.

Khác với nhiều nghề, sửa đồng hồ không có khái niệm nhiều hay ít khách. Có những ngày 5-10 khách, cũng có ngày không có ai tìm đến. Chính vì vậy, lúc rảnh thợ sửa đồng hồ lại mày mò phục chế những linh kiện bị hỏng, tân trang lại đồng hồ cũ rồi bán lại với giá rẻ để tăng thêm thu nhập. “Tôi vừa mưu sinh vừa rất thích chơi đồng hồ nên biết nhiều người cũng có đam mê như mình. Vừa làm nghề vừa làm cầu nối cho những người cùng đam mê cũng là cách để tôi sống trọn với nghề mà mình đã chọn” - ông Sơn chia sẻ thêm.

Hiện nay, những người thợ sửa đồng hồ tại TP. Đồng Xoài phần lớn đều lớn tuổi và họ níu giữ nghề bằng tình yêu thực sự, bởi giữa sự phát triển của xã hội, nghề này không còn là lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, đâu đó giữa cuộc sống hối hả, nhộn nhịp, hình ảnh những người thợ lặng lẽ, tỉ mẩn sửa chữa, nâng niu từng chiếc đồng hồ, như một nét chấm phá của bức tranh cuộc sống. Họ - không chỉ là chứng nhân về một thời thăng trầm của nghề, của loại trang sức này mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc neo giữ ký ức của nhiều người…

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/129588/giu-nhip-dap-thoi-gian