Giữ vững tiêu chí sản phẩm được công nhận OCOP

Đến nay, Lào Cai có 52 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm thuộc ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, còn lại là các sản phẩm thuộc nhóm ngành đồ uống, thực phẩm. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, truyền thống, thế mạnh của một vùng, một đơn vị, địa phương. Để tìm kiếm 'giấy thông hành' (chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh) là một hành trình dài, nhiều khó khăn mà các địa phương, đơn vị phải nỗ lực. Sau công nhận, việc giữ vững các tiêu chí cho sản phẩm cũng là vấn đề cần được nhìn nhận và quan tâm, tránh bị rớt hạng.

Lào Cai hiện có 52 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Lào Cai hiện có 52 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thời điểm này, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi (Bát Xát) có 3 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, gồm: Gạo tẻ và gạo lứt Séng cù (sản phẩm OCOP 4 sao), giấm táo mèo (sản phẩm OCOP 3 sao). Trong đó, gạo là sản phẩm chủ lực của đơn vị và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Mỗi năm, hợp tác xã thu mua gần 400 tấn thóc nguyên liệu, qua chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 230 tấn gạo thành phẩm. Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi cho biết: Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, hợp tác xã luôn quan tâm giữ vững các tiêu chí, tập trung vào chất lượng bởi đây là yếu tố quyết định sự thành bại, sống còn của sản phẩm trên thị trường. Do đó, hợp tác xã dành nhiều kinh phí đầu tư hệ thống dây chuyền, trang - thiết bị hiện đại. Hiện nay, trừ khâu đóng bao được làm thủ công, các công đoạn còn lại trong quy trình sản xuất gạo Séng cù đều được làm liên hoàn bằng hệ thống dây chuyền, máy móc.

Còn đối với sản phẩm dịch vụ du lịch “Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn” của Hợp tác xã Tả Phìn Xanh (thị xã Sa Pa), việc giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí OCOP luôn được đơn vị quan tâm. Ông Trần Chí Thành, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Sân chơi OCOP mở ra nhiều cơ hội cho đơn vị, bởi với việc sản phẩm được công nhận đã phần nào khẳng định chất lượng, giá trị và tiềm năng. Để tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm, hợp tác xã luôn nỗ lực giữ vững các tiêu chí sau công nhận.

Hướng tới việc nâng cấp sản phẩm OCOP lên 5 sao, hợp tác xã cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể và lâu dài. Ngoài các dịch vụ hiện có, trong năm 2020, hợp tác xã dự định mở rộng cơ sở lưu trú với việc xây dựng và đưa vào hoạt động 8 căn nhà riêng biệt, từng bước chuyên nghiệp hóa, phục vụ nhu cầu của du khách.

Lào Cai là mảnh đất tiềm năng để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Không thể phủ nhận những lợi ích mà chương trình OCOP mang lại với người dân, đơn vị, địa phương khi tham gia như góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường... Sau 3 năm công nhận, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, đối với những sản phẩm không đảm bảo sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn. Do vậy, để có hướng đi lâu dài, bền vững, các đơn vị và địa phương cần có kế hoạch lâu dài.

Đóng bao bì cho sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi.

Đóng bao bì cho sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi.

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, Chương trình OCOP chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm kết thúc. Việc được công nhận sản phẩm OCOP mới là bước đầu, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của sản phẩm OCOP sau công nhận mới là bài toán khó. Việc nâng sao hay rớt sao của sản phẩm phụ thuộc vào nỗ lực của các đơn vị, địa phương.

Tại Lào Cai, sự quan tâm để thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ trong thời gian qua. Riêng đối với các sản phẩm sau công nhận, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; lồng ghép các nguồn lực để giúp đơn vị, địa phương mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Tuy nhiên, sau công nhận, một sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe và sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Để làm được điều này đòi hỏi địa phương, đơn vị chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận các thị trường mới... Do vậy, muốn giữ vững và nâng cao tiêu chí sản phẩm OCOP, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, các đơn vị, địa phương cần xác định đây là một lộ trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ và ý thức không ngừng đổi mới, vươn lên.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/giu-vung-tieu-chi-san-pham-duoc-cong-nhan-ocop-z36n20200327155750209.htm