Giữ vững tốc độ tăng trưởng

Sáng 11/11, với 426/430 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 98,10%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 12 chỉ tiêu, trong đó Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,8% và CPI dưới 4%. GDP năm 2020 đạt 6,8% có nghĩa bằng đúng mục tiêu đề ra của năm 2019. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cũng đòi hỏi sự nỗ lực không hề nhỏ.

Đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động góp phần tích cực vào tăng trưởng. Ảnh: Minh Khuê.

Đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động góp phần tích cực vào tăng trưởng. Ảnh: Minh Khuê.

Theo đó, 12 chỉ tiêu mà Nghị quyết đưa ra trải đều trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, về kinh tế: GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%. Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Như vậy, Nghị quyết của Quốc hội không chỉ cố gắng đạt được các mục tiêu tăng trưởng về mặt kinh tế mà rất chú trọng lĩnh vực xã hội cũng như môi trường. Chỉ nhìn vào chỉ tiêu nỗ lực giảm số hộ nghèo, rồi tỉ lệ thất nghiệp đã cho thấy, chúng ta phát triển kinh tế nhưng luôn chăm lo mọi mặt đời sống xã hội. Điều này có nghĩa, phát triển kinh tế đi kèm với vấn đề an sinh xã hội, để tất cả người dân trong cả nước đều được hưởng những thành quả từ sự phát triển chung của đất nước.

Đánh giá về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP chính Quốc hội cũng cho rằng đây là mức tăng hợp lí. Bởi mức tăng này bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tại sao mục tiêu tăng trưởng GDP của nước ta không giống thông lệ, năm sau cao hơn năm trước mà Quốc hội vẫn cho rằng đây là mức tăng hợp lý là bởi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đúng bằng năm 2019 là 6,8% là điều không hề dễ dàng. Vì nếu đặt trên nền tảng GDP của năm 2019, cũng như đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn, thì tốc độ tăng trưởng như vậy là khá thách thức.

Phân tích rõ những thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải nếu nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế năm 2019 đang duy trì đà tăng trưởng tốt, nhưng nhìn về tầm nhìn 2020 và những năm tiếp theo, chúng ta chưa thể yên tâm. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới có thể sẽ chạm “ngưỡng suy thoái toàn cầu, thì với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất khó.

Vì sao đại diện của VCCI lại cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% không chỉ là mục tiêu khó mà là quá khó là bởi, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để kinh tế Việt Nam có thể “tăng trưởng nhanh và bền vững” trong năm 2020. Chẳng hạn vấn đề cải cách thủ tục hành chính, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, đã có những cải thiện đáng kể nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Chẳng hạn với lĩnh vực kinh tế tư nhân theo phân tích của ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Như So thì có một thực tế, đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực. Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ… Chủ trương coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhưng thực tế thì chưa được như điều chúng ta mong đợi.

Để giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác, theo ông Nguyễn Như So, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Đồng quan điểm, ĐBQH TP Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, phải thực chất cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những quy định chồng chéo giữa các dự luật và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp, tạo lập, phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển để tăng niềm tin và tạo sự an tâm cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế. Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới; tập trung giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân…để quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/giu-vung-toc-do-tang-truong-tintuc452139