Giữa đám cưới, mẹ chồng hỏi một câu khiến con dâu ghi nhớ suốt 4 năm

Bốn năm làm dâu, Thu Hằng có nhiều kỷ niệm đẹp về mẹ chồng, trong đó, kỷ niệm khiến chị nhớ nhất là vào ngày tổ chức đám cưới.

“Bốn năm làm dâu, tôi thật sự hạnh phúc khi ‘dính bẫy’ của mẹ chồng. Mẹ nặng tai, không hiện đại, chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước nhưng tôi thấy mẹ vĩ đại quá chừng”, chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hằng (SN 1996, quê Thái Bình) khiến nhiều người xúc động.

Phía dưới dòng chia sẻ là rất nhiều “gạch đầu dòng” về mẹ chồng do nàng dâu liệt kê. Mỗi gạch đầu dòng là những điều tốt đẹp chị nhận được từ ‘người phụ nữ vĩ đại’ ấy.

Chị Hằng và mẹ chồng có mối quan hệ tốt đẹp

Chị Hằng và mẹ chồng có mối quan hệ tốt đẹp

Thu Hằng về Ninh Bình làm dâu vào năm 2020. Trước đó, trong lần về ra mắt, chị đã cảm nhận được mẹ chồng – bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1960) là người phụ nữ hiền hậu, chân quê và chân thành.

Từ đó, mỗi lần về quê chơi, Hằng đều được bà Nhung đón tiếp niềm nở, quan tâm từng chút một. Chị nhớ mãi câu giục cưới của mẹ chồng: "Tháng 4 này đẹp đấy, tụi con cưới đi".

Sau khi kết hôn, vợ chồng Thu Hằng sống và lập nghiệp tại Hà Nội. Bố mẹ chồng chị làm nghề nông, kinh tế không khá giả. Mẹ chồng bị nặng tai hơn 10 năm nay, tay chân yếu dần. “Tuy vậy, tình thương ông bà dành cho con cháu là vô bờ bến”.

Bốn năm làm dâu, Thu Hằng có nhiều kỷ niệm đẹp về mẹ chồng, trong đó, kỷ niệm khiến chị nhớ nhất là vào ngày tổ chức đám cưới.

Giữa cảm xúc ngổn ngang của cô dâu lấy chồng xa, câu hỏi của mẹ chồng: “Con có mệt không?” khiến chị thấy như có dòng suối mát lành chảy trong lòng. Câu nói đó được chị ghi nhớ suốt 4 năm qua.

Hai lần về quê ở cữ, chị Hằng đều được mẹ chồng nấu cho những mâm cơm ngon. Chị cảm động khi mẹ chủ động tìm hiểu để nấu cho con dâu những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

“Thời đó, mỗi chiều mình đều được mẹ bê bữa phụ lên tận phòng cho ăn, đôi lúc hỗ trợ bế cháu cho mình làm việc cá nhân. Khi thấy con dâu muốn được nghỉ ngơi, mẹ luôn hiểu ý, chủ động đi ra ngoài”, Hằng kể.

Ở thành phố, vợ chồng chị tự thu xếp việc chăm con. Mỗi lần về quê, câu nói chị được nghe nhiều nhất từ bố mẹ chồng là: “Cố lên con nhé, mấy năm nữa sẽ đỡ vất vả hơn. Bố mẹ chẳng giúp được gì nhiều cho các con, chỉ biết động viên như vậy”.

Sau đó, ông bà sẽ chuẩn bị cả “siêu thị” cho vợ chồng chị đem ra thành phố. Những thức quà quê như: Cam, chanh, hành, tỏi, bó rau, trứng gà, thịt thà, cá mú... chị chất đầy một cốp xe.

“Hàng xóm không biết tưởng mẹ chồng mình mở siêu thị nhỏ. Thật ra, ông bà toàn để dành của ngon cho con cháu”, chị chia sẻ.

Bốn năm làm dâu, chị Hằng cảm nhận được mẹ chồng là người chất phác, tình cảm, không soi mói con dâu, không để bụng những chuyện nhỏ. Bà có hai nàng dâu và luôn đối xử công bằng để các con đều thấy mình được yêu thương, quý trọng.

Mâm cơm cữ và những món đồ mẹ chồng gửi từ quê ra cho con cháu

Mâm cơm cữ và những món đồ mẹ chồng gửi từ quê ra cho con cháu

Hằng thừa nhận, mẹ chồng – nàng dâu là mối quan hệ nhạy cảm và mỗi nàng dâu đều rất bỡ ngỡ trong việc làm quen với nếp sống mới mẻ ở nhà chồng. Đó là lúc họ cần sự thông cảm, thấu hiểu, tình yêu thương và lòng bao dung của bậc sinh thành.

Chị Hằng thấy may mắn khi có bố mẹ chồng tốt bụng, yêu thương con dâu. Nhưng chị luôn tự nhủ, mọi mối quan hệ tốt đẹp đều cần sự vun vén từ cả hai phía. Bản thân chị cũng phải thật thà, lễ phép, cư xử đúng mực với bố mẹ chồng.

“Ngoài ra, vai trò của người chồng cũng rất quan trọng. Chồng mình yêu và thương mình, hướng dẫn mình làm thế nào để hòa hợp với mọi người.

Khi mới về làm dâu, mình gượng gạo và bỡ ngỡ nhưng nhờ có anh đồng hành, mình dần mở lòng hơn. Cũng nhờ anh làm cầu nối, mình và mẹ chồng mới có thể yêu thương, hòa hợp với nhau như hiện tại”, 9X chia sẻ.

Ảnh: NVCC

Thanh Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giua-dam-cuoi-me-chong-hoi-mot-cau-khien-con-dau-ghi-nho-suot-4-nam-2332047.html