Giữa lúc nhạy cảm, Đài Loan đề xuất mua hệ thống tên lửa hành trình hiện đại của Mỹ
Vào thời điểm quan hệ hai bên bờ eo biển đang rất nhạy cảm, chính quyền Đài Loan đã xác nhận họ sẽ mua hệ thống tên lửa Harpoon di động trên bờ của Mỹ. Vụ mua bán gây tranh cãi ở Đài Loan và chắc chắn sẽ gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc đại lục.
Theo trang tin Dongfang của Hồng Kông, hôm thứ Năm (28/5), giới quân sự Đài Loan đã chính thức xác nhận họ có kế hoạch mua của Mỹ loại tên lửa hành trình chống hạm Harpoon đặt trên bờ (đất đối hạm) và sẽ bố trí tại Lữ đoàn Hải Phong của hải quân, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2023. Nếu mua thành công, Đài Loan sẽ có đủ bốn loại tên lửa Harpoon: phóng từ trên không, phóng từ tàu ngầm, từ trên đất liền và từ tàu mặt nước.
Thượng tướng Trương Triết Bình, Thứ trưởng “Bộ Quốc phòng” Đài Loan, sáng ngày 28/5 đã tới Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Viện Lập pháp để báo cáo giải trình về "hiệu quả của các nguồn lực quốc phòng tự chủ”. Ông nói, việc mua hệ thống tên lửa hành trình chống hạm Harpoon đặt trên bờ xuất phát từ việc xem xét khả năng trang bị vũ khí tự chế tạo của Đài Loan và nhu cầu chiến đấu thực tế. Với mục đích mong muốn nhanh chóng cải thiện hiệu quả chiến đấu nên quân đội quyết định mua Hệ thống tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển (CDCM) này của Mỹ.
Tên lửa Harpoon Hạm đối hạm được phóng từ tàu Tế Dương của hải quân Đài Loan (Ảnh: Dongfang).
Trả lời chất vấn về việc đã tự chủ sản xuất được loại tên lửa bờ di động Hùng Phong-2 tại sao còn mua hệ thống CDCM của Mỹ; ông Trương Triết Bình nói, quân đội và Viện nghiên cứu Khoa học Trung Sơn đã nghiên cứu năng lực sản xuất từ nay đến năm 2025, căn cứ các dữ liệu, phát hiện thấy số lượng tên lửa vẫn rất thiếu, “vì chúng ta phải nhằm đạt được mục tiêu tiêu diệt 50% quân địch”.
Ngoài ra, ông Trương Trung Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Trung Sơn Đài Loan, nói rằng tên lửa Harpoon có cùng cấp độ với tên lửa Hùng Phong-2 tự chế của Đài Loan nhưng có tầm bắn xa hơn. Việc mua các tên lửa Harpoon phiên bản đặt trên bờ nhằm lắp đặt trên xe tự hành, sẽ mang lại sự vượt trội hơn Hùng Phong-2 về khả năng cơ động, nhưng về hiệu suất tên lửa, thì Hùng Phong-2 vượt trội hơn (Harpoon điều khiển bằng GPS, Hùng Phong-2 điều khiển bằng quán tính, radar chủ động và đầu dò hồng ngoại).
Theo Dongfang, Harpoon hiện là loại tên lửa chống hạm chủ lực của quân đội Mỹ, đã đưa vào sử dụng từ năm 1979. Nếu vụ mua bán này thành công, quân đội Đài Loan sẽ có đầy đủ 4 phiên bản tên lửa Harpoon, bao gồm loại phóng từ trên không AGM-84, loại phóng từ tàu mặt nước và cơ động trên đất liền RGM-84, loại phóng từ tàu ngầm UGM-84 của Hải quân.
Đạn tên lửa RGM-84 phiên bản di động trên đất liền (Ảnh: Dongfang).
Được biết, phiên bản Harpoon RGM-84 loại di động trên đất liền được điều khiển bằng tín hiệu GPS, nếu được bố trí ở bờ biển phía tây đảo Đài Loan hoặc trên đảo Bành Hồ có thể bắn tới các mục tiêu trên đất liền ở vùng ven biển Đông Nam Trung Quốc đại lục với độ chính xác cao, dung sai chỉ từ 0,5m đến 5m. Theo một số tài liệu, phiên bản Harpoon di động trên đất liền có tầm bắn tối đa 315 km với đầu nổ nặng 360kg có sức công phá rất lớn (các phiên bản khác đầu nổ chỉ 211kg).
Giá mỗi tên lửa Harpoon tùy theo phiên bản có thể từ 720 ngàn USD (năm 2007) tới 1,2 triệu USD (năm 2012).
Vụ mua vũ khí này cũng đã gây nên tranh cãi. Tờ China Times của Đài Loan ngày 28/5 viết "Bộ Quốc phòng" đã nói dối, họ nói rằng tính năng của các tên lửa Hùng Phong tự chế của Đài Loan không kém. Lúc này, "Bộ Quốc phòng" lại chi rất nhiều tiền cho việc mua tên lửa Harpoon do Mỹ sản xuất với tính năng tương tự. “Lý do đưa ra thật chết cười. Sản lượng không đủ sao không tăng thêm dây chuyền? mà lại cứ nhất định phải mua hàng ngoại, dìm hàng trong nước?”.
Báo này chỉ trích: “Nếu muốn trả phí bảo vệ cho Mỹ, hãy nói với mọi người một cách trung thực. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta bị người Mỹ tống tiền”.