Giữa ngổn ngang của việc cổ phẩn hóa, nhiều nghệ sĩ bật khóc ở lễ kỷ niệm 60 năm hãng Phim truyện Việt Nam
Hãng Phim truyện Việt Nam vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 60 tại số 4 phố Thụy Khuê, Hà Nội. Nhiều nghệ sĩ đã khóc ở Lễ kỷ niệm này vì hiện trạng Hãng phim đang ngổn ngang với việc cổ phần hóa.
Tối 6/12, các nghệ sĩ đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng phim Truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch, họa sĩ... thuộc các thế hệ của Hãng phim và nhiều nghệ sĩ khách mời đã có mặt để tham dự: NSND Thanh Vân, NSND Lan Hương Bông, NSND Lan Hương "em bé Hà Nội, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Thanh Quý, NSND Đặng Nhật Minh... Buổi lễ có sự có mặt của bà Thu Hà - Cục phó cục Điện ảnh (bộ VH,TT&DL).
Phát biểu tại buổi lễ, đạo diễn - NSND Thanh Vân thay mặt ban tổ chức phát biểu, gợi nhớ những thành tựu nhân kỷ niệm ngày thành lập Hãng. Trên màn hình, những thước phim kinh điển như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên (đạo diễn Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh)... lần lượt hiện ra.
Dưới khán phòng, một vài tiếng ồ lên: "Trà Giang, Như Quỳnh hồi đó đẹp quá!". 7/12/1959 là ngày Hãng sản xuất bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Cách mạng - Chung một dòng sông (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân).
Buổi gặp gỡ chùng xuống khi các nghệ sĩ nhắc đến câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim.Họ nhớ lại năm 1972, khi Hà Nội bị Mỹ ném bom, địa chỉ số 4 Thụy Khuê lúc ấy cũng là tiêu điểm bắn phá của quân địch. Trong bối cảnh khó khăn ấy, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm ra đời.
"Thời hòa bình, Hãng phim truyện Việt Nam đang dần trở thành phế tích", đạo diễn Thanh Vân nói. Ở dưới, nhiều người rơi nước mắt vì nhớ về thời kỳ hoàng kim của Hãng và tiếc nuối với hiện trạng cổ phần hóa chưa xong của một đơn vị nghệ thuật.
Đạo diễn Xuân Sơn phát biểu tại buổi lễ: "Những gì đang xảy ra thật xót xa. Tôi năm nay 80 tuổi, chỉ muốn hỏi một câu thôi: Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ đi về đâu, có tồn tại được nữa hay không? Thật đau đớn khi kỷ niệm 60 năm đáng lẽ chúng ta được nói về thành tựu chúng ta đạt được, giờ phải nói về những cơ cực, bất công, tàn bạo, của chuyện nói mà không làm".
Đại diện cho những nghệ sĩ công tác ngoài Hãng nhưng có nhiều năm gắn bó với đơn vị, NSND Lan Hương (Bông) kể kỷ niệm khi còn là sinh viên, chị hồi hộp vì được đến số 4 Thụy Khuê thử vai trong phim Trở về Sam Sao. Lan Hương từng đóng phim Mùa ổi (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Khoảnh khắc yên lặng trong chiến tranh (đạo diễn Vũ Phạm Từ), Đêm cuối năm (Châu Huế), đồng thời lồng tiếng cho nhiều phim điện ảnh, truyền hình của hãng.
"Không buồn sao được khi ngôi nhà nghệ thuật thứ hai của mình giờ hoang tàn, trống vắng - một khu nhà cấp bốn xập xệ lọt thỏm giữa các tòa cao ốc. Và còn đau hơn nữa khi biết rằng nhiều anh chị em không có công ăn việc làm, không có lương", Lan Hương bật khóc xúc động.
Ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, ông buồn lòng vì quá trình cổ phần hóa Hãng phim vướng nhiều sai sót, động viên anh chị em cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bà Thu Hà - Cục phó Điện ảnh chia sẻ với nhiều nghệ sĩ tại buổi lễ, bà cũng thông báo, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hãng Phim truyện Việt Nam vào ngày 24/12.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn thì chia sẻ: "Gặp nhau đáng ra phải vui nhưng nhiều cô chú, anh chị vẫn không kìm được nước mắt. Họ gắn bó với hãng phim nhiều năm, có vô vàn kỷ niệm sâu sắc. Tôi mong dịp kỷ niệm sau, chúng tôi sẽ không còn trải qua những cảm xúc phức tạp như vậy nữa".
NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội" cũng tâm sự: "Tôi mong việc cổ phần hóa của Hãng phim sẽ nhanh được hoàn thành để Hãng phim thoát được tình trạng trì trệ, nghệ sĩ không có việc làm, không được nhận lương, đóng bảo hiểm. Nơi đây từng là địa chỉ đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, vì thế giữ lại Hãng phim chính là giữ lại nhiều ký ức văn hóa của chúng ta. Mong rằng, các nghệ sĩ sẽ có nhiều sức khỏe và niềm tin vào một ngày Hãng phim sẽ được hồi sinh".
Hãng Phim truyện Việt Nam được thành lập ngày 7/12/1959. Lễ kỷ niệm 60 năm của hãng đã được chi hội điện ảnh Hãng Phim truyện Việt Nam tổ chức sớm một ngày.
Các nghệ sĩ ở Hãng phim có tuổi đời lâu nhất Việt Nam này cho biết họ vẫn không ngừng nuôi hi vọng và tiếp tục đấu tranh để hãng được tồn tại.
Trước đó, từ đầu giờ chiều 6/12, không khí ở Hãng nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Các hàng quán xung quanh nghỉ bán, lối đi dẫn vào xưởng phim được quét tước gọn gàng. "Số 4 Thụy Khuê" - tên gọi thân thương xuất phát từ địa chỉ của Hãng Phim truyện Việt Nam - xuất hiện khắp nơi.
Trước mô hình chiếc xe điện mô phỏng tuyến Bờ Hồ - số 4 Thụy Khuê, các nữ nghệ sĩ diện áo dài tươi cười, hồ hởi chụp ảnh. Ở sân sau, ban tổ chức sắp xếp những mâm cơm đơn giản, gợi không khí đoàn viên ngày cận Tết trong những khu tập thể thời bao cấp.
Ngoài nghệ sĩ đang công tác ở hãng phim, người đến dự hầu hết đều đã nghỉ hưu, tóc bạc trắng hoặc điểm hoa râm. Họ hồ hởi khi gặp lại bạn bè, đồng nghiệp cũ. Sau vài ba câu chuyện về sức khỏe, con cháu, tất cả cùng ôn lại những kỷ niệm thời còn công tác ở Hãng phim.
Một số hình ảnh của lễ kỷ niệm xúc động này: