Giúp trẻ nóng tính “hạ hỏa”

GD&TĐ - Các cụ nói “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, quả thật có những đứa trẻ có tính nóng khác thường. Trẻ rất dễ bị tức giận, có thể lên cơn giận bột phát không kiểm soát được.

Những hoạt động bổ ích giúp trẻ kiềm chế tính nỏng nảy

Phụ huynh cần bình tĩnh xử lí đúng cách thay vì quát mắng hay đánh đập sẽ càng khiến trẻ cảm thấy ức chế hơn…

Con cháu “bà hỏa”…

Cứ năm ngày bé Tít đi học, thế nào trong đó cũng có tới phân nửa số ngày là chị Thanh Nhàn (khu tập thể Ngân hàng - ngõ Quan Thổ 1 - phố Tôn Đức Thắng - Hà Nội) lại “được” cô giáo giữ lại ở lớp lúc đón con để nói chuyện.

Dù mới 4 tuổi nhưng bé nóng tính, cục cằn, cứ ai làm bé không vừa ý điều gì là bé nổi quạu quát nạt, đánh thậm chí là cắn lại ngay. Anh Bắc - chồng chị Nhàn là một nạn nhân thường xuyên của con. Không vừa ý điều gì là Tít lấy tay đánh tới tấp vào mặt bố. Bất kể ở đâu, lắm khi làm bố mẹ ngượng tím cả mặt.

Chị Nhàn can, mắng nhẹ bé: “Con làm thế là hư lắm. Sao lại đánh bố?”. Chưa dứt lời, bé đứng như trời trồng, mặt đỏ phừng phừng, miệng thì hét um lên như tàu hỏa. Thấy con khó chịu, anh mắng lại chị: “Nó đánh yêu bố nó, sao em cứ to tiếng thế nhỉ? Nhà như cái chợ”. Tình trạng ông chẳng bà chuộc của bố mẹ càng làm Tít hư thêm.

Cũng có con nóng tính như lửa là nhà chị Thùy Mai (Bạch Đằng, Hà Nội) nhưng thay vì trút sự ức chế vào người khác bé lại tự đánh và làm đau chính mình. Vốn hiếu động và rất yêu vật nuôi, đến nhà ông bà chơi, bé cứ quấn quít chạy đùa với con chó, con mèo. Nhưng bé cứ sấn vào ôm mèo hoặc chạy trêu giật đuôi con chó nên không ít lần bị mèo cào chó đợp vào tay. Sợ có chuyện không hay, mẹ hoặc ông bà ngăn lại, thì ngay lập tức, bé lấy tay hoặc tiện tay cầm cái gì đập lên đầu hoặc đập xuống bàn ăn vạ: “Cho đau chết đi này...”.

Lần nào thấy các bạn có đồ chơi đẹp, bé Măng cũng đòi mua cho bằng được. Bố có tỏ ra nghiêm khắc, nắng hay đét mông vài cái thì lại khổ mẹ phải đi lau dọn nhà cửa vì con gào khóc, nôn trớ tùm lum.

Nhìn bạn bè nuôi con, chị Mai vừa lo lắng vừa ghen tỵ vô cùng, chị lúng túng không biết mình phải “điều trị” cái tính nóng như lửa của con thế nào?

Cần cách xử trí hợp lí

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hằng - Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội; “Tâm lý thì nóng giận hay cục cằn là một phản ứng tâm lý thông thường ở trẻ khi không hài lòng hoặc không đạt được điều chúng muốn. Tất nhiên điều này không hề dễ chịu cho bậc làm cha mẹ và cũng không có gì đảm bảo rằng tính khí đó sẽ kết thúc đúng lúc.

Vì vậy, hãy uốn nắn trẻ ngay từ khi còn nhỏ thì mới giải quyết được vấn đề”. Theo chuyên gia này, cha mẹ cần phải nhận ra các dấu hiệu ban đầu của sự tức giận ở con trẻ. Một số dấu hiệu phổ biến là hàm răng nghiến chặt, cơ thể căng thẳng, nhịp thở tăng… Nếu đã nhận ra những biểu hiện đó, hãy giúp loại bỏ chúng khỏi con bạn. Hợp tác cùng con để giải quyết vấn đề. Là việc quan trọng mà chính bố mẹ phải làm trước khi tìm đến nhờ sự tư vấn của các chuyên gia…”.

Cũng có thể làm dịu cơn tức giận của trẻ, hãy nói với trẻ rằng mọi việc đều bình thường và không có gì đáng để tức giận cả. Nếu bạn vẫn tôn trọng bé kể cả trong thời điểm bé có cư xử không tốt, con bạn sẽ biết những hành vi mà bạn mong đợi từ bé. Điều này cũng sẽ củng cố hành vi tích cực.

Ngoài ra bạn cũng nên thử những cách khác như lau mặt cho trẻ bằng một chiếc khăn mát hay mang cho trẻ một cốc nước, một cốc hoa quả hay thứ gì đó mà trẻ thích. Tất cả đều có thể làm cho trẻ quên đi cơn tức giận của mình - chị Hằng đưa ra lời khuyên các bậc phụ huynh.

“Cách tiếp cận tốt nhất để uốn nắn trẻ chỉ sau khi trẻ đã bình tĩnh lại. Nên cách ly cho trẻ ở một mình trong phòng yên tĩnh. Đứa trẻ sẽ cởi mở hơn để lắng nghe và hiểu được mong muốn của bố mẹ. Trẻ em thường làm theo gương của cha mẹ. Nếu bố mẹ bị mất kiểm soát khi tức giận và bắt đầu la hét hoặc đánh người khác thì đứa con sẽ copy lại y chang. Hãy cố gắng để không xúc phạm tới thể chất của trẻ. Một hình phạt tốt sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ em và bạn có thể sử dụng những cách khác nhau thay vì đánh, mắng áp chế con” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hằng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/giup-tre-nong-tinh-ha-hoa-1298002-b.html