Gỡ các rào cản pháp lý đối với việc ghép tạng để thêm cơ hội kéo dài sự sống
Trình độ ghép mô, tạng của các bác sĩ Việt Nam tương đương các nước tiên tiến trên thế giới khi đã thực hiện ghép được các tạng: thận, gan, tim, phổi... Tuy nhiên, thực tế hiện nay do còn khá nhiều rào cản, cho nên số người mắc các bệnh hiểm nghèo chưa được cứu sống nhờ ghép tạng còn cao, trong khi đó nhiều tạng (từ người chết não, chết tim) lại bỏ phí.
Theo số liệu của Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia, năm 2023 số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Ðông Nam Á.
Nhưng số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, còn nguồn tạng lấy từ người chết não quá thấp (cả năm 2023 chỉ có 12 người và trong 6 tháng đầu năm 2024 có 12 người hiến chết não).
Vì thiếu nguồn tạng từ người cho chết não nên phần lớn (94%) ca ghép là lấy nguồn tạng từ người hiến sống. PGS, TS Ðồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn. Vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng (thận, gan, phổi, tim, tuyến tụy, giác mạc…), còn người sống chỉ lấy và ghép được một bộ phận, chưa kể còn có những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau hiến tạng".
Tại hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô tạng tại Việt Nam tổ chức ngày 16/7 vừa qua, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người đăng ký cũng như hiến mô, tạng tại Việt Nam còn thấp.
PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, rào cản đầu tiên chính là nhận thức, khi phần lớn người dân vẫn có quan niệm "chết phải toàn thây", e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi chết, cùng đó là tâm lý sợ ảnh hưởng đến gia đình, phần lớn người dân chưa nhận thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng. Ngoài ra, người dân còn chưa hiểu rõ về cách thức đăng ký hiến tạng… Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường vận động người dân theo từng nhóm đối tượng, cần thiết phải thay đổi các quy định về việc hiến mô, tạng để giúp tăng nguồn tạng, từ đó sẽ có nhiều cuộc đời được hồi sinh và nhiều cái chết không chỉ "về với cát bụi" mà sẽ nhân thêm sự sống, mang lại nhiều hạnh phúc cho cuộc đời.
Theo Ðại đức Thích An Ðạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, địa táng hay "chết toàn thây" không phải là quan niệm của nhà Phật. Vì thế, thời gian tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng về hiến mô, tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật... Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối hợp Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đến các tỉnh, thành phố để kêu gọi, vận động các tăng, ni, phật tử đăng ký hiến mô, tạng; đồng thời tổ chức các hội thảo để phân tích cho người dân hiểu được việc hiến mô, tạng sau khi qua đời không ảnh hưởng gì đến tâm linh; đẩy mạnh truyền thông lan tỏa thông điệp từ bi hỷ xả của Ðức Phật.
Rào cản lớn thứ hai là về pháp lý. PGS, TS Ðồng Văn Hệ chia sẻ, hiện tại chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về việc hiến, tặng mô, tạng, trong khi đó, một số vấn đề chuyên môn sâu, phức tạp thì trong luật ghi tương đối ngắn gọn, không cụ thể. Vì thế, vận động được người đăng ký hiến tạng đã khó, nhưng trăn trở hơn là rất nhiều trường hợp người đã đăng ký hiến tạng không may qua đời, bác sĩ vẫn không thể lấy được tạng hiến để cứu người. Thậm chí có những trường hợp, gần như cả gia đình đã đồng ý hiến tạng người thân chết não, nhưng đến phút cuối chỉ cần một người thân trong gia đình không đồng ý là toàn bộ ê-kíp lấy tạng phải dừng lại, người chờ ghép lại tiếp tục phải chờ may mắn lần sau.
Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia vừa thành lập 9 hội đồng và xây dựng quy trình điều phối, ưu tiên, tiêu chí ghép tạng, tiêu chí cấp cứu. Việc thành lập các hội đồng này sẽ giúp các cơ sở y tế tham gia mạng lưới hiến, tặng mô, tạng và mạng lưới ghép có quy trình phân phối tạng minh bạch, công khai, hiệu quả và nhanh chóng, không lãng phí nguồn tạng hiến. Ðáng chú ý, việc thành lập các hội đồng có sự tham gia của đại diện các bệnh viện trong mạng lưới sẽ góp thêm tiếng nói để trung tâm đưa ra quy trình chuẩn hơn, cũng từ đó, lan tỏa các thông điệp về hiến, tặng mô, tạng đến từng bệnh viện và trong giới y khoa.
Hiện cả nước mới có 26 bệnh viện tham gia mạng lưới bệnh viện vận động hiến mô, tạng là quá ít. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nếu mạng lưới bệnh viện hiến được mở rộng thì sẽ có thêm nhiều tạng cho người cần ghép. Ðồng thời quá trình điều phối về việc hiến-ghép, cho-nhận tạng cũng sẽ thông suốt hơn giữa các bệnh viện, không cần phải chuyển người chết não tiềm năng tới bệnh viện khác để lấy mô, tạng vì việc chuyển viện sẽ tăng nguy cơ ngừng tim, khiến các tạng bị ảnh hưởng, dẫn tới không bảo đảm để ghép.
Một trong những mục tiêu lớn giúp nhiều người dân hiểu về hiến, tặng mô, tạng thì trước tiên phải đào tạo, giúp giới y khoa hiểu đúng, từ đó các nhân viên y tế tự tin có đủ năng lực để lan tỏa nghĩa cử, hành vi đúng đó tới cộng đồng. Chính vì vậy, từ tháng 8/2024, nội dung đào tạo về ghép tạng, hiến mô tạng; Luật Hiến mô tạng; chết não, phát hiện và quản lý chết não tiềm năng… sẽ được đưa vào chương trình đào tạo thường quy của Trường đại học Y Hà Nội, sau đó mở rộng giảng dạy ở các trường đại học y khác.
PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các quy định của pháp luật cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não như điều kiện có thể hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng; chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép… Mặt khác, cần coi việc đăng ký hiến mô, tạng của mỗi người giống như di chúc để đến lúc không may người đó bị chết não thì gia đình không thể can thiệp vào di chúc đó. Hoặc cần có quy định về gia đình chỉ bao gồm bố, mẹ, vợ, con để yêu cầu sự đồng ý của họ về việc hiến tạng của người chết não chứ không phải quy định như hiện nay.
Trong hoạt động hiến, lấy ghép tạng hiện nay, công tác truyền thông cũng là một mắt xích rất quan trọng, giúp mỗi người hiểu hơn về việc hiến mô, tạng, đó là trao lại sự sống cho những người bệnh khác. Do vậy, trong các hoạt động truyền thông, cần lan tỏa thông điệp "cho đi là còn mãi".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/go-cac-rao-can-de-them-co-hoi-keo-dai-su-song-post820302.html