Gỡ khó cho giáo dục mầm non trong mùa dịch

Trong khi cơ sở giáo dục của cấp học khác vẫn thu được học phí khi tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp thì hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) không thu được học phí do không thể tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ bằng hình thức trực tuyến. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài dẫn đến nguy cơ giáo viên mầm non đặc biệt là tại các trường mầm non ngoài công lập phải chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị hiện phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể…

Kỳ I: Khó khăn “kép” với giáo dục mầm non

Giáo viên Trường Mầm non Trọng Tín, khu 5, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh sắp xếp lại sân chơi chờ ngày đón trẻ trở lại trường.

(baophutho.vn) - Trong khi cơ sở giáo dục của cấp học khác vẫn thu được học phí khi tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp thì hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) không thu được học phí do không thể tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ bằng hình thức trực tuyến. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài dẫn đến nguy cơ giáo viên mầm non đặc biệt là tại các trường mầm non ngoài công lập phải chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị hiện phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể…

Mầm non tư thục “đuối sức”
Trường Mầm non Hoa Trà, ở khu 8, xã Thanh Đình, TP Việt Trì là trường tư thục, đi vào hoạt động từ năm 2017, có quy mô trông giữ khoảng 70 trẻ, gần như 100% trẻ ở đây đều là con em công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà trường nhiều lần phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến nhà trường cùng đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn. Cô giáo Lê Thị Luân- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ Tết đến nay, do dịch bệnh COVID-19, trẻ đi học rất ít, học phí không đủ trả lương cho giáo viên, nhà trường phải bù lỗ để duy trì hoạt động, để giữ chân giáo viên, nhà trường vẫn phải bảo đảm đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Nếu dịch bệnh kéo dài, đơn vị sẽ phải đóng cửa, công nhân không có nơi gửi trẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp”.Trẻ nghỉ học, không thu được học phí đồng nghĩa với người lao động ở các trường và cơ sở giáo dục ngoài công lập không được trả lương. Trong khi đó, với các nhóm trẻ ngoài công lập, hầu hết phải thuê địa điểm, không có nguồn thu do không tổ chức được hoạt động trông giữ trẻ nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng. Tại huyện Cẩm Khê, thời điểm này, toàn huyện có một trường mầm non tư thục và hai nhóm lớp tư thục tạm dừng hoạt động; 16 giáo viên nghỉ học không lương. Tại huyện Yên Lập, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, các cơ sở GDMN tư thục không có kinh phí trả đủ lương cho giáo viên, nhân viên mà chỉ có thể hỗ trợ 85% tiền đóng bảo hiểm trong tháng một và tháng hai. Đồng chí Hà Tuấn Hải- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Lập cho biết: “Hiện nay, có một bộ phận giáo viên, nhân viên ở các cơ sở GDMN ngoài công lập không có lương vì phải nghỉ dạy, trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch COVID-19. Tại thời điểm tháng 3/2022, trên địa bàn có sáu giáo viên mầm non tư thục bỏ việc. Kinh phí không thu được trong ba tháng gần đây khoảng trên 800 triệu đồng”. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 33 trường mầm non tư thục; 56 nhóm, lớp độc lập tư thục được UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập với trên 1.000 giáo viên, cán bộ quản lý. Đây là những đơn vị tự chủ về tài chính, chủ động chi trả lương và bảo hiểm xã hội hàng năm cho nhóm lao động trong hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng trẻ đi học ít (nhiều cơ sở không thể tổ chức trông giữ trẻ) nên buộc giáo viên phải nghỉ luân phiên dẫn đến chế độ lương tháng không đảm bảo. Đến nay có 39 giáo viên nghỉ việc, một nhóm trẻ độc lập đóng cửa (nhóm trẻ Hoa Hướng Dương, xã Thụy Vân).

Do dịch COVID-19, trẻ đi học tại cơ sở Mầm non Thần Đồng Việt, phường Vân Phú, TP Việt Trì chỉ đạt 15% so với nhu cầu thực tế.Thách thức cho mầm non công lậpTheo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 7.643 giáo viên mầm non; thiếu khoảng 3.000 giáo viên mầm non theo định mức được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 “Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) công lập”. Mặc dù không gặp nhiều khó khăn như khối tư thục song ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giáo viên các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều thách thức, nhất là giáo viên hợp đồng. Cô giáo Hoàng Thị Bích Hiên- Giáo viên Trường mầm non Quân Khê, huyện Hạ Hòa cho biết: “Là giáo viên hợp đồng từ năm 2017 với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng, thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19, trẻ đến trường ít nên tôi quyết định nghỉ việc. Cũng vì phải nuôi con nhỏ, lo đủ loại tiền như bỉm, sữa, thức ăn, thuốc men nên tôi chuyển sang bán hàng tạp hóa để có thu nhập tốt hơn”. Dịch COVID-19 bùng phát khiến việc dạy và học nhiều thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của các cháu. Đồng chí Phạm Ngọc Diễm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Từ đầu năm đến nay, các cơ sở GDMN phải điều chỉnh kế hoạch giáo dục, chỉ đạo giáo viên làm video bài giảng để gửi cho phụ huynh và phối kết hợp với phụ huynh qua các kênh thông tin hàng ngày để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ. Công việc này khiến giáo viên làm việc vất vả hơn và áp lực vì một số gia đình trẻ không có điện thoại thông minh, không sử dụng internet, bố mẹ đi làm xa trẻ ở nhà với ông bà không có người hướng dẫn và khó thu học phí”.Theo trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa, hiện nay, toàn huyện có 190 giáo viên hợp đồng ở các cơ sở GDMN, việc trả lương cho giáo viên hợp đồng theo mức quy định đến hết tháng hai và tháng ba, từ tháng tư trở đi, dự kiến chỉ trả lương cho giáo viên hợp đồng bằng nguồn ngân sách huyện hỗ trợ do không thu được học phí. Tại TP Việt Trì, sau Tết Nguyên đán, đến thời điểm tháng 3/2022, ở các cơ sở GDMN công lập, tỉ lệ học sinh đi học chỉ đạt khoảng 30%, có nơi chỉ đạt 10%. Học sinh nghỉ học, các cơ sở GDMN công lập cũng không hoàn thành kế hoạch thu học phí, thu các khoản thỏa thuận dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chi trả lương cho giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng. Đồng chí Nguyễn Thu Trà - Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Việt Trì cho biết: “Năm học 2021-2022, 100% các trường mầm non tuyển sinh không đủ chỉ tiêu kế hoạch giao. Về cơ bản, các trường không thu đủ học phí theo dự toán đầu năm nên khó khăn cho việc chi các hoạt động trong nhà trường. Việc chi trả lương cho giáo viên hợp đồng mới đến hết tháng 2/2022. Từ tháng 3/2022 chưa có kinh phí để chi vì học sinh đi học ít”.

Kỳ II: Tiếp sức cho giáo dục mầm non trong mùa dịch

Huy Thắng - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202204/go-kho-cho-giao-duc-mam-non-trong-mua-dich-183554