Gỡ khó cho mạng lưới cô đỡ thôn, bản

Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vốn dĩ đã gặp những rào cản khác nhau trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thì thời gian qua càng khó khăn hơn khi mạng lưới cô đỡ thôn, bản (CĐTB) - 'cánh tay nối dài' của hệ thống y tế tại cơ sở đang gặp trở ngại do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong bối cảnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với Dự án 7, có nội dung hỗ trợ đội ngũ này được coi là cơ hội để động viên CĐTB tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân ở vùng khó.

Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (giữa) thực hiện công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thùy Giang

Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (giữa) thực hiện công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thùy Giang

Thực trạng đáng báo động

Theo ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỉ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS sinh sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. “Trong hoàn cảnh đó, CĐTB người DTTS tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người DTTS không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh” - ông Thuấn nhấn mạnh.

Được biết, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ CĐTB, việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ CĐTB gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho CĐTB hoạt động.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/1/2023, đã có 1.528 CĐTB được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.

Các số liệu nói trên đã vẽ nên bức tranh khái quát về thực trạng liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em các DTTS; đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ không được chăm sóc, khám thai định kỳ cũng như tình trạng sinh nở ngoài các cơ sở y tế và tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi còn rất cao; đặc biệt là ở các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; trong khi đó, số lượng và tỷ lệ CĐTB đang hoạt động lại rất thấp.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em, Bộ Y tế cho biết: “Đối với các vùng sâu, vùng xa, đội ngũ CĐTB là người đầu tiên có thể tiếp cận, chăm sóc bà mẹ tại địa phương ngay tại chỗ, vì bà con DTTS quan niệm mọi chăm sóc liên quan đến phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng, phụ nữ trong nhà, hoặc những người thân thiết mới có thể trao đổi được. Tuy nhiên, đến nay, việc thực thi các chính sách cho CĐTB giữa các địa phương có sự khác nhau, khiến việc duy trì hoạt động của đội ngũ này gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho CĐTB hoạt động”.

Tháo nút thắt từ Dự án 7

Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị nhằm vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB. Tại hội nghị này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông chia sẻ: “UBDT đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB (thuộc Dự án 7)”.

Đội ngũ CĐTB được xem như “tài sản quý” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Thùy Giang

Đội ngũ CĐTB được xem như “tài sản quý” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Thùy Giang

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBDT và các bộ, ngành trung ương trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ CĐTB. Đồng thời, UBDT đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của đội ngũ CĐTB; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CĐTB; tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, tổ chức quốc tế... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để động viên, phát huy vai trò của đội ngũ CĐTB, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế trong việc thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện, UNICEF Việt Nam cho rằng: Các CĐTB ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là “tài sản quý giá” trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Duy trì và mở rộng mạng lưới này sẽ vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bà Lesley Miller cũng đề xuất cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đối với CĐTB, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; xây dựng và cập nhật các nghị quyết, kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ này, bao gồm việc phân bổ ngân sách đầy đủ trong bối cảnh tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tiếp tục huy động thêm hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt trong việc đào tạo xây dựng nâng cao năng lực cho CĐTB ở các tỉnh có nhu cầu.

Bà Trần Thị Hoa Ri, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: “Trong Dự án 7 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi đã thiết kế chính sách liên quan đến y tế cơ sở, trong đó có chính sách dành cho CĐTB. Thông tư 15 của Bộ Tài chính cũng đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, có quy định rõ nét về chế độ chính sách dành cho đội ngũ CĐTB. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách này ở vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới”.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/go-kho-cho-mang-luoi-co-do-thon-ban-post460676.html