Gỡ khó cho người chăn nuôi

Sau một thời gian dài luôn giữ ở mức giá khá cao, khoảng hơn một tháng nay giá lợn hơi giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững.

Nhờ được cấp thẻ nhận diện, ưu tiên trong “luồng xanh”, lợn hơi của các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi đã được xuất bán, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Đi tìm nguyên nhân
Những ngày gần đây, gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba đứng ngồi không yên vì giá lợn liên tục hạ. Gần 300 con lợn thịt đã đến tuổi xuất chuồng nhưng không có thương lái đến mua. Không những vậy, từ cuối năm ngoái đến nay, giá thức ăn liên tục tăng cao, bình quân tăng từ 40.000-60.000 đồng/bao (25kg) tùy loại. Ông Dũng chia sẻ: “Khoảng hơn một tháng nay, giá lợn giảm dần từ 75.000 đồng/kg xuống đến 60.000-62.000 đồng/kg, thậm chí những mã lợn của các hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ còn 50.000 -52.000 đồng/kg. Đáng lo hơn là lợn đã đến tuổi xuất mà không có thương lái đến mua. Nuôi thêm ngày nào là lỗ ngày ấy bởi chi phí thức ăn, điện, nước, công chăm sóc đội lên theo…”.Cũng như gia đình ông Dũng, gia đình bà Phùng Thị Túy ở xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa đôn đáo gọi thương lái đến mua vì gần 2.000 con gà và trên 2.000 con bồ câu thương phẩm của gia đình đã đạt tuổi, trọng lượng xuất bán. Bà Túy giãi bày: Mọi khi, chỉ cần gọi điện là các thương lái quen của gia đình ở Hà Nội, Hải Dương lên bắt ngay nhưng nay do việc giãn cách xã hội nên xe của họ không lên được. Những ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách, xe từ Hải Dương lên không thể đi qua được nên đành phải quay đầu. Trước đây, gà gia đình tôi bán từ 80.000-83.000 đồng/kg; chim bồ câu khoảng 145.000-150.000 đồng/cặp nhưng nay giá gà đã giảm xuống còn khoảng 65.000-66.000 đồng/kg; chim bồ câu còn 100.000 đồng/cặp mà vẫn khó tiêu thụ. Hoàn cảnh như của gia đình ông Dũng, bà Túy đang là tình trạng chung mà đa phần các hộ chăn nuôi; doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp phải. Trao đổi với chúng tôi về việc giá lợn, gà thương phẩm giảm mạnh trong thời gian gần đây, ông Lê Tiến Dũng- Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH Tập đoàn DABACO Phú Thọ cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên lượng gia súc, gia cầm giết mổ và tiêu thụ hàng ngày giảm đáng kể so với trước kia. Hiện nay số lượng lợn chúng tôi nhập cho các công ty giết mổ ở thành phố Hà Nội hay các tỉnh miền trong chỉ bằng 50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, do việc phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi gần đây đạt hiệu quả cao, việc tái đàn tốt trong dân, nguồn cung dồi dào cũng khiến cho giá thành của các sản phẩm chăn nuôi giảm xuống.Theo các chuyên gia, một nguyên nhân nữa do hiện nay, ngành chăn nuôi Trung Quốc đã đảm bảo được khoảng trên 70% nhu cầu về thịt lợn của người dân nên việc nhập khẩu lợn không còn cấp thiết như trước kia. Với tổng đàn trên 681.000 con lợn; 15,7 triệu con gia cầm trên toàn tỉnh thì việc tiêu thụ hiện đang nhiều khó khăn. Giá con giống đầu vào (thời điểm tháng 2, tháng 3) cao, cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng, các trang trại nuôi quy mô từ vừa đến lớn chỉ còn lãi với mức độ nhẹ hoặc không có lãi; người chăn nuôi nhỏ lẻ đã bắt đầu có dấu hiệu thua lỗ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sức tiêu thụ giảm, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Các giải pháp gỡ khó
Để gỡ khó cho ngành chăn nuôi trong điều kiện hiện nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương thúc đẩy hơn nữa các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng bằng việc hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kết nối với các doanh nghiệp thương mại bảo đảm đầu ra với giá ổn định; Chính phủ cũng ưu tiên tạo “luồng xanh” giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Riêng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giành mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi xuất bán sản phẩm. Ông Từ Anh Sơn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để giúp các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi chủ động trong tiêu thụ sản phẩm, hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở NN&PTNT đã chủ động đề nghị họ đăng ký để phối hợp cùng các lực lượng chức năng hỗ trợ cấp thẻ nhận diện, ưu tiên hoạt động trên các “luồng xanh”. Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm kiểm dịch tăng cường hoạt động, bố trí hoàn thành việc cấp kiểm dịch trong thời gian sớm nhất để doanh nghiệp có thể xuất hàng, tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi.Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi duy trì giá ở mức ổn định, đồng thời kiến nghị kéo dài Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đến hết năm 2021. Trong đó, hỗ trợ về kinh phí, vật tư, giống cho người nông dân áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi, quản trị chuồng trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi.Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu (hiện chiếm gần 80%) để chế biến thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu, rơm, cỏ xanh, bã sắn, cám gạo, vỏ tôm... Để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững, về lâu dài, ngành Nông nghiệp cần tăng nhanh diện tích thâm canh các loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến tự chủ sản xuất các chế phẩm phục vụ chăn nuôi như probioitic, enzim, thảo dược, các loại khoáng đa lượng, khoáng vi lượng..., giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tốt việc chăn nuôi theo quy hoạch; đẩy mạnh sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn chăn nuôi theo yêu cầu thị trường; tìm kiếm thêm các thị trường có tiềm năng… để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/go-kho-cho-nguoi-chan-nuoi-178839