Gỡ khó cho tái canh cà phê Tây Nguyên

Tái canh cà phê (TCCP) là chủ trương lớn nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình thực hiện chủ trương này gặp nhiều khó khăn, bất cập, cần nhanh chóng tháo gỡ, bảo đảm TCCP đạt tiến độ, mục tiêu đã đề ra.

Nhiều khó khăn trong tái canh cà phê

Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn của cả nước với 623.000ha, chiếm 90,5% diện tích và 93,11% sản lượng. Tuy nhiên, hầu hết diện tích cà phê tại Tây Nguyên được trồng cách đây 20-30 năm, hiện đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng không bảo đảm, cần phải thay mới. Đặc biệt, trong bối cảnh cà phê Việt Nam phải chịu sự canh tranh gay gắt từ nhiều nước, như: Brazil, Colombia, Indonesia… thì việc tái canh cà phê chính là giải pháp hữu hiệu nhằm giữ vững và nâng cao vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; đồng thời cải thiện thu nhập cho người trồng cà phê.

Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có quyết định phê duyệt “Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020”. Ngay sau đó, các chính sách về tín dụng, khoa học, công nghệ cũng được ban hành nhằm hỗ trợ quá trình TCCP. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến tháng 6-2019, 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tái canh được 118.202ha và ghép cải tạo được 34.037ha cà phê. Sau khi tái canh, năng suất, sản lượng cà phê tăng lên rõ rệt, từ 2,4 tấn/ha lên 3,5 tấn/ha.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng quá trình TCCP cũng gặp không ít khó khăn do nhiều bất cập về chính sách và công tác điều hành, chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “TCCP cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Với người trồng cà phê thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị nhất để thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ đã thế chấp nhằm phục vụ các mục đích khác, như: Vay tiêu dùng, xây nhà... Vì vậy, người trồng cà phê không còn tài sản thế chấp vay vốn TCCP”.

Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí đầu tư giai đoạn kiến thiết cơ bản của TCCP đúng tiêu chuẩn tốn khoảng 300 triệu đồng/ha, nhưng theo Văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11-5-2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thì mức cho vay tối đa để trồng mới chỉ được 150 triệu đồng/ha và ghép cải tạo 80 triệu đồng/ha, quá ít so với nhu cầu thực tế. Bà Nguyễn Thị Minh, xã Tân Châu (Di Linh, Lâm Đồng) cho biết: "Gia đình tôi có 2ha cà phê vối, trồng từ năm 1998. Mặc dù cán bộ địa phương nhiều lần động viên, thuyết phục nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa dám phá bỏ để trồng mới. Bởi, toàn bộ thu nhập của gia đình tôi đều trông chờ vào 2ha cà phê này, nếu phá bỏ hết để trồng mới thì 3 năm nữa cà phê mới cho thu hoạch. Trong thời gian ấy, chúng tôi không có nguồn thu nào để duy trì cuộc sống. Nếu tái canh từng phần theo kiểu cuốn chiếu thì khi thực hiện thủ tục vay vốn cũng rất khó khăn”.

Mặc dù NHNN Việt Nam đã xây dựng chương trình tín dụng cho TCCP với quy mô lên tới 12.000 tỷ đồng nhưng việc giải ngân thời gian qua diễn ra khá chậm, với số vốn giải ngân thấp. Tại tỉnh Kon Tum, tính đến tháng 6-2019, tổng dư nợ cho vay TCCP trên địa bàn mới chỉ đạt 7,3 tỷ đồng. Con số này tại Gia Lai là 219,4 tỷ đồng, Đắc Nông là 326,37 tỷ đồng. Thủ tục rườm rà, vốn vay cấp thành nhiều đợt, phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến từng công việc trong từng giai đoạn thực hiện trồng tái canh. Ngoài ra, các nông hộ vay vốn còn phải có giấy xác nhận đủ điều kiện trồng tái canh, diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh do Bộ NN&PTNT ban hành (từ 1 đến 2 năm trồng luân canh các loại cây ngắn ngày), không trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê trồng tái canh… Những yêu cầu này khiến nhiều hộ không “mặn mà” với nguồn vốn cho vay TCCP.

 Vườn cà phê tái canh cho năng suất cao tại xã Nam Hà ( Lâm Hà, Lâm Đồng).

Vườn cà phê tái canh cho năng suất cao tại xã Nam Hà ( Lâm Hà, Lâm Đồng).

Cần giải pháp đồng bộ để gỡ khó

Nhằm bảo đảm quy trình TCCP đạt chất lượng, hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã ban hành “Quy trình tái canh cà phê vối” và “Quy trình tái canh cà phê chè”, trong đó hướng dẫn cụ thể các biện pháp kỹ thuật, như: Điều kiện tái canh, chuẩn bị đất, quy cách đào hố, bón phân, chăm sóc, tiêu chuẩn giống... Tuy nhiên, việc chuyển giao, hướng dẫn quy trình tới các hộ dân ở địa phương thực hiện chưa tốt, còn tình trạng phó mặc cho người dân, dẫn tới nhiều diện tích cà phê sau khi tái canh không bảo đảm chất lượng.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới quá trình TCCP tại Tây Nguyên là giá cà phê trên thị trường sụt giảm trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu hồi phục. Tình trạng thua lỗ do rớt giá khiến nhiều hộ không còn thiết tha với việc trồng, cũng như cải tạo cà phê; thậm chí nhiều diện tích cà phê đã bị phá bỏ để chuyển sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, như: Sầu riêng, bơ, chuối.

Tại Hội nghị “TCCP giai đoạn 2014-2020 và định hướng TCCP khu vực Tây Nguyên” vừa diễn ra ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Nhà nước cần khẩn trương điều chỉnh chính sách tín dụng, hoàn thiện kỹ thuật canh tác, bảo đảm nguồn giống và ổn định thị trường cà phê, cụ thể: Hỗ trợ năng lực cho các cơ sở sản xuất giống cà phê, như: Công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cà phê; nhân rộng mô hình điểm tái canh hiệu quả, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi; nâng cao mức cho vay, giảm lãi suất, xem xét cho vay không cần tài sản thế chấp, lồng ghép cho vay TCCP vào các chương trình, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo nhằm tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn TCCP cho các hộ nông dân. Đối với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm thì thực hiện trồng xen theo quy định đã được ban hành. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê giống như với mặt hàng lúa gạo. Thực hiện các giải pháp nêu trên là góp phần thúc đẩy quá trình TCCP bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả; bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 sẽ tái canh 30-40ha cà phê, qua đó duy trì ổn định diện tích cà phê khoảng 600.000ha, sản lượng 2 triệu tấn/năm, nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-tai-canh-ca-phe-tay-nguyen-606226