Gỡ khó khăn pháp lý về thuế và các dự án đầu tư có sử dụng đất

Sáng 9/10, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 để thảo luận, tháo gỡ các vấn đề pháp lý liên quan đến thuế và các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Nhận diện các tồn tại pháp lý

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, trong đó, tập trung thảo luận, tháo gỡ khó khăn pháp lý về thuế và các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo các bộ, ngành dự Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo các bộ, ngành dự Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Thảo luận tại Diễn đàn, các diễn giả đã nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định, cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ thực tiễn doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này, nhưng tính đồng bộ chưa cao.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Liên quan đến một số vấn đề pháp lý về thuế, các diễn giả cho rằng, khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cũng cần được sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, để doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước yên tâm thực hiện thủ tục hoàn thuế, cần “cắt khúc” từng khâu kinh doanh cụ thể, từ đó xác định trách nhiệm của mỗi cơ quan Nhà nước với từng khâu. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiểm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hoặc của cán bộ thuế.

Một số ý kiến cho rằng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần sửa đổi trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Tháo gỡ đến cùng các khó khăn của doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Hải Ninh cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, đó là: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi tại Diễn đàn.

Trao đổi tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ KHĐT được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ KHĐT đang chủ trì, xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.

Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao… Bộ KHĐT đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt, không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.

Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại Diễn đàn.

Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại Diễn đàn.

Liên quan đến vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

"Vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng là vấn đề 'nóng', Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.

Thế Đoàn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/go-kho-khan-phap-ly-ve-thue-va-cac-du-an-dau-tu-co-su-dung-dat-20241009110431320.htm