Gỡ khó trong sáp nhập thôn, xã ở Quảng Trị. Bài 2: Công tác sắp xếp cán bộ: Thấu lý, vẹn tình

Sau sáp nhập 33 đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Trị giảm 16 xã, dôi dư 258 cán bộ công chức và 227 người hoạt động không chuyên trách. Đây thật sự là bài toán khó cho nhiều địa phương trong quá trình sắp xếp bộ máy. Tuy nhiên, với cách làm linh hoạt, 'thấu lý, vẹn tình', các địa phương thuộc diện sáp nhập đã từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định bộ máy hoạt động trước khi ra mắt đơn vị hành chính mới. Cũng nhờ tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và Nhân dân, tỉnh Quảng Trị không có đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác cán bộ sau sáp nhập.

> Gỡ khó trong sáp nhập thôn, xã ở Quảng Trị. Bài 1: Chủ trương của Đảng, nguyện vọng của dân

 Công bố quyết định thành lập UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội xã Kim Thạch, Vĩnh Linh. Ảnh: ML

Công bố quyết định thành lập UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội xã Kim Thạch, Vĩnh Linh. Ảnh: ML

Nỗi niềm cán bộ

Lúc mới nghe chủ trương sáp nhập hai xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền thành xã Hiền Thành (huyện Vĩnh Linh), chị Nguyễn Thị Lương, Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Thành khá lo lắng vì biết mình nằm trong diện cán bộ phải sắp xếp khi sáp nhập. Đây cũng là tâm trạng chung của đội ngũ cán bộ, công chức của 33 xã, thị trấn nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tâm trạng lo lắng ban đầu là vậy nhưng khi nhận được thông tin chuyển sang vị trí công chức Văn phòng-Thống kê, chị Lương cảm thấy “sốc”, vì theo chị được biết, vị trí dự kiến ban đầu của chị là Chủ tịch Hội LHPN xã Hiền Thành .

Chị Lương chia sẻ: “Không buồn sao được khi vị trí công việc của mình có sự thay đổi như vậy. Để có được vị trí như ngày hôm nay, tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Về năng lực, tôi nghĩ mình hoàn toàn có khả năng để đảm đương công việc khi hai xã sáp nhập. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của đồng nghiệp, nếu không chuyển được công chức thì còn thiệt hơn mình, tôi lại không an lòng. Rồi tôi tự động viên bản thân, mình chuyển xuống công chức rồi sau này có điều kiện sẽ tiếp tục phấn đấu. Hơn nữa, tại thời điểm đó mình là người làm công tác dân vận của xã Vĩnh Thành, luôn tuyên truyền người dân sáp nhập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên về công tác cán bộ, mình phải gương mẫu chấp hành. Được BTV Huyện ủy định hướng, anh em đồng nghiệp cũng như gia đình động viên, chia sẻ nên tôi dần ổn định tư tưởng, tự tin hơn khi quyết định chuyển từ cán bộ xuống làm nhân viên”.

Cũng là tâm tư cán bộ khi thuộc diện dôi dư do sáp nhập 2 xã Vĩnh Trường và Linh Thượng thành xã Linh Trường, huyện Gio Linh nhưng ông Hồ Văn Ba, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thượng lại trăn trở ở góc độ khác. Được huyện vận động, ông Ba đã làm đơn xin nghỉ việc theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về Chính sách tinh giản biên chế dù vẫn còn đủ điều kiện để đảm nhiệm công việc thêm 3 năm nữa. Tuy nhiên, nộp đơn xin nghỉ việc được hai ngày thì ông Ba lặn lội lên huyện xin rút đơn. “Lúc đầu, tôi chấp nhận nghỉ việc để tạo điều kiện, cơ hội việc làm cho cán bộ trẻ khi bộ máy sau sáp nhập dôi dư nhiều. Tuy nhiên, khi đơn nghỉ việc gửi đi rồi, tôi bỗng thấy lo lắng, buồn phiền vì nếu nghỉ việc theo chế độ 108 thì điều kiện bắt buộc là cán bộ có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc một năm không hoàn thành nhiệm vụ. Bao nhiêu năm công tác, tôi đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ, đảng viên, được chính quyền và Nhân dân ghi nhận. Nghỉ như thế này, tôi mang tiếng quá”, ông Ba trăn trở.

Vận động đi trước một bước

Ai ở, ai đi? Câu hỏi này từng là nỗi trăn trở thường trực không chỉ của người trong cuộc mà cả đối với những người làm công tác cán bộ ở những địa phương thuộc diện sáp nhập.

 Đội ngũ cán bộ, công chức xã Hiền Thành, Vĩnh Linh yên tâm công tác sau sáp nhập. Ảnh: ML

Đội ngũ cán bộ, công chức xã Hiền Thành, Vĩnh Linh yên tâm công tác sau sáp nhập. Ảnh: ML

Ông Hồ Quốc Minh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hải Lăng cho hay: “Điều chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm như thế nào sau sáp nhập để vừa đúng luật, vừa bảo đảm chính sách, tránh gây tâm lý hoang mang, xáo trộn trong cán bộ là điều chúng tôi hết sức quan tâm. Sắp xếp bố trí cán bộ khó, nhạy cảm bởi liên quan trực tiếp đến lợi ích của con người nên tâm lý dễ nảy sinh những nghi ngờ về sự nể nang, dễ dãi, chạy chọt, vận động hay tranh thủ lẫn nhau để được vị trí này, vị trí nọ. Xác định như vậy nên ngay từ đầu, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy chỉ đạo việc bố trí cán bộ địa phương sau sáp nhập phải trên nguyên tắc rà soát kỹ từng vị trí việc làm và từng con người cụ thể; công khai, minh bạch tất cả chính sách, chế độ về cán bộ trong diện phải sắp xếp do dôi dư, không để ai cảm thấy mình bị bỏ rơi”. Trên nguyên tắc ấy, ông Minh nghiên cứu khá kỹ các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ để tham mưu cho BTV Huyện ủy hướng giải quyết phù hợp.

Cùng chung quan điểm đó, ông Vũ Văn Phong, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Vĩnh Linh chia sẻ: Trả lời được câu hỏi ai đi, ai ở không hề đơn giản vì liên quan đến quyền lợi của nhiều người. Ở huyện Vĩnh Linh, sau khi phân tích các vị trí việc làm và con người cụ thể tại 8 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập, BTV Huyện ủy thống nhất chủ trương sắp xếp dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính hài hòa, cân đối giữa các địa phương về vị trí việc làm, nhất là vị trí cán bộ chủ chốt. Trong quá trình sắp xếp cán bộ, công tác vận động cũng rất được coi trọng để hài hòa giữa chữ lý, chữ tình. Ví dụ, thời điểm trước sáp nhập xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành thành xã Hiền Thành, xã Vĩnh Thành khuyết chức danh Chủ tịch Hội LHPN do cán bộ nghỉ hưu nên khi sáp nhập, dự kiến chức danh này của xã Hiền Thành sẽ do chị Nguyễn Thị Lương đảm nhận.

Cũng theo dự kiến lúc đó, chị Hoàng Thị Chung, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hiền sẽ chuyển qua công chức Văn phòng-Thống kê xã Hiền Thành. Tuy nhiên, đến khi rà soát hồ sơ cán bộ thì nảy sinh trường hợp chị Chung không đủ điều kiện để chuyển sang công chức theo quy định vì chưa đủ 5 năm công tác liên tục ở vị trí cán bộ chủ chốt. Tình thế buộc huyện phải thay đổi phương án, vận động chị Lương chuyển sang vị trí công chức Văn phòng-Thống kê để nhường vị trí Chủ tịch Hội LHPN xã Hiền Thành cho chị Chung đảm nhận, nếu không chị Chung buộc phải xuống vị trí Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hiền Thành. Nếu chuyển đổi mà vị trí việc làm tương đồng thì bình thường nhưng đây là từ vị trí “lãnh đạo” chuyển xuống làm “nhân viên”, để thông tư tưởng thôi đã khó huống gì còn liên quan đến những quyền lợi như: Về kinh tế mất 0,2 hệ số phụ cấp chức vụ, về chính trị thôi ủy viên thường vụ xã. Đây là vấn đề khá nhạy cảm, bởi không chỉ đơn thuần về chức danh, chức vụ mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng, liên quan đến lợi ích cá nhân, danh dự gia đình, dòng họ. Vì thế, chúng tôi đã vận động để chị Lương khi đảm nhận vị trí công tác mới không còn thấy lấn cấn trong lòng”.

Nhờ làm tốt công tác vận động mà địa phương nào cũng xuất hiện tấm gương của những cán bộ chủ chốt, gương mẫu tiên phong. Ông Lê Thanh Cường, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Cửa Tùng là một ví dụ. Sau khi huyện Vĩnh Linh thực hiện sáp nhập thị trấn Cửa Tùng và xã Vĩnh Tân, ông Cường đã xin nghỉ việc trước 3 năm. “Tôi có 39 năm công tác, trong đó có 35 năm cống hiến cho địa phương, đã làm đến chức vụ cao nhất của thị trấn như vậy cũng nhờ sự giúp đỡ của thế hệ cán bộ trước. Họ đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ tôi phát triển thì bây giờ tôi phải có trách nhiệm nhường vị trí cho lớp trẻ cống hiến”, ông Cường bộc bạch.

Linh hoạt trong vận dụng

Theo đề án sáp nhập 8 xã, thị trấn thành 4 đơn vị hành chính mới trên địa bàn huyện Hải Lăng sẽ dôi dư 72 cán bộ, công chức cộng với 17 trưởng công an xã phải sắp xếp để bố trí công an chính quy về thay thế đúng thời điểm này khiến huyện Hải Lăng dôi dư 89 cán bộ, công chức. Để giải quyết cho đội ngũ cán bộ, công chức này, huyện sàng lọc những người đảm bảo các tiêu chuẩn tuyển dụng bổ sung cho các phòng, ban của huyện; chủ động điều động, luân chuyển một số công chức từ xã này sang xã khác để tạo địa chỉ việc làm cho cán bộ... Sau khi “lượng hóa” tất cả các vị trí việc làm có thể bố trí tạm thời cho cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập cho đến năm 2024, huyện Hải Lăng còn 16 cán bộ, công chức không thể sắp xếp, buộc phải nghỉ việc theo các chế độ. Lúc này, huyện phối hợp địa phương rà soát, sàng lọc những người đủ điều kiện nghỉ việc theo các chế độ như: Nghị định 26/2015/NĐ-CP về Quy định chế độ chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội; Nghị định 108; Nghị định 113/2018/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 108... Sau khi có danh sách 16 cán bộ, công chức phải nghỉ việc, BTV Huyện ủy chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phối hợp với Mặt trận và hội đoàn thể cùng vào cuộc vận động.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan tham mưu BTV Huyện ủy về công tác cán bộ, ông Minh đã tổ chức ngay cuộc họp giữa Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội huyện để bàn các phương án giải quyết chế độ cho 16 cán bộ, công chức phải nghỉ việc trên nguyên tắc “chi tiết, rõ ràng, làm hết sức mình” để người nghỉ việc có thể hưởng tối đa các chế độ theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch đề xuất BTV Huyện ủy có chính sách hỗ trợ động viên, khuyến khích riêng của huyện đối với cán bộ, công chức phải nghỉ việc do sáp nhập. “Tôi thường nhắc nhở anh em, mình làm việc ở cơ quan tham mưu cho lãnh đạo huyện về vấn đề con người và việc làm, liên quan trực tiếp đến vấn đề mưu sinh, tiền đồ sự nghiệp chính trị của nhiều người nên phải hết sức công tâm, khách quan, đồng thời phải nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, các quy định của luật để giải quyết chế độ phù hợp nhất. Với nhiều người, mức lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng là nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình nhưng giờ phải nghỉ việc vì sáp nhập không thể không hụt hẫng. Giải thích thế nào để các cán bộ, công chức đó hiểu và thỏa mãn với chế độ được giải quyết là một vấn đề không dễ”, ông Minh cho biết.

Ngoài những lần trực tiếp về gặp người lao động để đối thoại, giải thích cặn kẽ về chế độ, chính sách nghỉ việc, ông Minh cũng đề xuất Thường trực Huyện ủy dẫn đầu các đoàn của huyện trực tiếp về các địa phương có cán bộ, công chức phải nghỉ việc do sáp nhập để gặp gỡ, động viên, chia sẻ thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của huyện đối với quá trình đóng góp và sự hy sinh vì lợi ích chung trong thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Huyện Gio Linh thực hiện sắp xếp, sáp nhập 9 xã thành 5 xã với số lượng cán bộ, công chức dôi dư cần giải quyết từ nay đến năm 2024 là 47 người. Để từng bước ổn định, tạo sự đồng thuận trong quá trình sáp nhập, công tác cán bộ được địa phương quan tâm hàng đầu. Huyện đã vận dụng chính sách mở của cấp trên trong quá trình sắp xếp từ nay đến năm 2024, có thể tăng số lượng một vài vị trí việc làm, ví dụ như trước đây Bí thư Đảng ủy xã thường kiêm chức danh Chủ tịch HĐND xã thì nay tách các chức danh này ra để có thêm vị trí việc làm bố trí cho cán bộ. Từ năm 2018, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hiệu lực, huyện Gio Linh đã dừng tuyển dụng mới tất các các vị trí việc làm của công chức cấp huyện, cấp xã và bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Việc làm này đã giúp Gio Linh “tiết kiệm” được hàng chục vị trí việc làm ở cấp xã, cấp huyện để bố trí cho cán bộ dôi dư do sáp nhập. Thời gian qua, huyện Gio Linh đã vận động được 9 cán bộ, công chức nghỉ việc do dôi dư.

Là người trực tiếp lặn lội ở cơ sở để rà soát tình hình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ ở các địa phương thuộc diện phải sáp nhập, ông Trần Đình Minh, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Gio Linh chia sẻ: “Trong suy nghĩ, một số người cho rằng nghỉ hưu trước tuổi là do năng lực yếu kém. Bởi thế mới có trường hợp cán bộ, công chức sau khi được huyện thuyết phục, vận động đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc theo chế độ của Nhà nước rồi nhưng một vài ngày sau lại lên huyện xin rút đơn như ông Ba. Để thông tư tưởng, chúng tôi cố gắng giải thích cho ông hiểu rằng thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, điều đầu tiên, quan trọng nhất là cần sự đồng lòng, góp sức từ chính đội ngũ cán bộ cơ sở - những người trực tiếp tác động đến dư luận xã hội, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân như ông. Vì thế ông cần làm gương để những người khác nghe theo, làm theo”.

Ông Minh cũng phân tích để ông Ba thấy rằng, ông nghỉ việc không phải vì năng lực kém mà vì lợi ích tập thể, đóng góp cho mục tiêu chung của huyện trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng về sáp nhập tinh gọn bộ máy, thời điểm ông nghỉ việc là phù hợp nhất vì được hưởng trọn vẹn các chính sách của Nhà nước cho cán bộ nghỉ việc do sáp nhập như được nhận lương hưu ngay khi nghỉ việc (dù nghỉ trước 3 năm) và được hỗ trợ 3 tháng lương/năm trong thời gian nghỉ trước 3 năm công tác. Ngoài ra, huyện cũng sẽ xem xét có mức hỗ trợ riêng đối với người nghỉ việc do sắp xếp, sáp nhập.

Lời kết

Thực tế cho thấy, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển. Nhờ kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng đó để từng bước “gỡ khó” những vướng mắc và làm tốt công tác dân vận mà các địa phương nói trên đã phát huy vai trò đồng thuận cao của người dân. Bài học kinh nghiệm được rút ra ở đây là để chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trở thành nguyện vọng chính đáng của Nhân dân thì quá trình triển khai nếu để xảy ra sai sót, văn hóa xin lỗi dân cần được cấp ủy, chính quyền đưa lên hàng đầu; các địa phương cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề dân chủ, nhất là phải tôn trọng ý kiến Nhân dân. Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả cao trong công việc, công tác vận động luôn được đặt lên hàng đầu nhưng phương pháp vận động phải mềm dẻo, linh hoạt, tùy thuộc vào từng đối tượng, vùng miền...

Mai Lâm -Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147503