Gỡ nút thắt trong tranh chấp quỹ bảo trì chung cư

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư. Hy vọng Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, với nhiều quy định cứng rắn hơn, sẽ phần nào tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư.

Chung cư Hòa Bình Green City, số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Lê Quân

Chung cư Hòa Bình Green City, số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Lê Quân

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư. Hy vọng Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, với nhiều quy định cứng rắn hơn, sẽ phần nào tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư.

Chung cư Hòa Bình Green City, số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho cư dân từ năm 2014. Dự án được giới thiệu là chung cư cao cấp “dát vàng” chất lượng 6 sao, dịch vụ hoàn hảo..., nhưng tại đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng cư dân đòi chủ đầu tư trả sổ đỏ cho người mua nhà, bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị, gây mất an ninh trật tự trong khu vực. Theo đại diện UBND quận Hai Bà Trưng, mặc dù ban quản trị chung cư đã nhiều lần yêu cầu, UBND quận và UBND phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp hướng dẫn, đôn đốc, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao số tiền quỹ bảo trì khoảng 40 tỷ đồng cho ban quản trị. UBND quận Hai Bà Trưng đã lập hồ sơ vi phạm hành chính báo cáo UBND thành phố Hà Nội và thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về hành vi vi phạm không bàn giao quỹ bảo trì. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao quỹ bảo trì và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho cư dân, khiến người dân tiếp tục bức xúc. Để xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, quy định. Đề xuất báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư tại 22 dự án ở Hà Nội, trong đó buộc các chủ đầu tư phải hoàn trả cư dân các tòa nhà số tiền quỹ bảo trì 250 tỷ đồng. Điển hình như tại dự án nhà chung cư Riveside Garden, 349 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, đến thời điểm cơ quan thanh tra vào cuộc, chủ đầu tư dự án gồm Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC đã thu đủ 24,2 tỷ đồng quỹ bảo trì của cư dân, nhưng chỉ bàn giao cho ban quản trị chung cư 11 tỷ đồng, số tiền 13,2 tỷ đồng còn lại đã được chủ đầu tư đem gửi ngân hàng để hưởng lãi suất.

Tại bốn tòa nhà CT1, CT2A, CT2B và CT3 Gelexia Riverside, thuộc dự án xây dựng khu nhà ở quận Hoàng Mai, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam, tổng số kinh phí bảo trì đã thu của người mua nhà 52,7 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư mới bàn giao 49,2 tỷ đồng cho ban quản trị, còn thiếu 3,5 tỷ đồng. Các tòa nhà chung cư F, G, H, K, L thuộc tổ hợp chung cư cao tầng hỗn hợp nhà ở HH02, khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai làm chủ đầu tư, đã bàn giao căn hộ cho cư dân từ năm 2018, nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao hơn 35 tỷ đồng quỹ bảo trì. Thậm chí, tới khi cơ quan thanh tra vào cuộc, chủ đầu tư mới tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị…

Nhằm khắc phục tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở năm 2014, trong đó đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung Điều 37 về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Theo quy định này, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định, ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh.

Căn cứ vào thông tin này, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho ban quản trị nhà chung cư. Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng. Trường hợp tài khoản kinh doanh chủ đầu tư không còn tiền hoặc còn tiền nhưng không đủ để bàn giao thì UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và số tiền trong tài khoản này. Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư để chuyển giao cho ban quản trị nhà chung cư…

Với hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, tạo cơ sở cho chính quyền địa phương mạnh tay cưỡng chế, thu hồi, bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị, hy vọng việc gỡ nút thắt trong tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư tại Hà Nội sẽ sớm được giải quyết.

NGỌC THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/go-nut-that-trong-tranh-chap-quy-bao-tri-chung-cu-648665/