Gỡ nút thắt về điện tái tạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện là những doanh nghiệp lớn. Theo đó, việc mua bán điện được thực hiện theo 2 hình thức gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia - qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cụ thể, mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện. Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng có thể bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường mua bán điện cạnh tranh. Đối với những khách hàng sử dụng điện lớn có thể ký hợp đồng mua bán điện với Tổng Công ty Điện lực để mua toàn bộ điện năng nhằm đáp ứng nhu cầu.

Với quy định nêu trên, các chuyên gia kinh tế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp có chung nhận định rằng, Nghị định số 80 ban hành đã giúp tháo gỡ "nút thắt", khơi thông “điểm nghẽn” cho điện năng lượng tái tạo. Không những thế, nghị định này còn tạo ra cơ chế mang tính đột phá - cơ chế DPPA, trong quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam. DPPA là cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững được tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng song phương dài hạn.

Chính điều này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lượng điện lớn có cơ hội lựa chọn đơn vị cung cấp điện nhằm đạt chứng chỉ sản xuất xanh. Bên cạnh đó, với những quy định mới trong Nghị định số 80 còn đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng. Đặc biệt, cơ chế mới về mua bán điện tái tạo sẽ góp phần tích cực trong thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường và hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Và cùng với đó là nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Như vậy, những bất cập, tồn tại, điểm nghẽn, vướng mắc trong cơ chế mua bán điện tái tạo trước đây đã được tháo gỡ. Vấn đề đặt ra là để nghị định này thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực thì trước hết, các cơ quan chức năng cần tuân thủ nghiêm những quy định về đối tượng, phạm vi mua bán điện trực tiếp được quy định trong nghị định này. Đồng thời, các bên mua bán điện cần chủ động rà soát các điều kiện về kỹ thuật thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình để bảo đảm tuyệt đối an toàn, không gây sự cố đáng tiếc cho toàn hệ thống và phải bảo đảm công bằng, minh bạch trong mua bán điện.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là EVN cần có cơ chế để phát hiện, đề xuất những bất cập, vướng mắc, chủ động giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Qua đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, ban hành mới các quy định không còn phù hợp nhằm đảm bảo triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp theo quy định của Chính phủ. Cuối cùng là các tỉnh cần quyết liệt lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án điện đã được xác định trong quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và cả nước.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163106/go-nut-that-ve-dien-tai-tao