Gỡ vướng mắc về đất đắp cho 2 dự án giao thông trọng điểm

Đồng Nai sẽ thực hiện các thủ tục để khai thác vật liệu san lấp nhằm cung cấp nguồn đất đắp phục vụ 2 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Với việc thống nhất khai thác tại 3 vị trí bổ sung, nhu cầu về nguồn đất đắp phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đáp ứng. Ảnh:P.Tùng

Với việc thống nhất khai thác tại 3 vị trí bổ sung, nhu cầu về nguồn đất đắp phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đáp ứng. Ảnh:P.Tùng

Việc khai thác thêm nguồn đất đắp tại các vị trí bổ sung sẽ góp phần tháo gỡ một trong những “nút thắt” ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án hiện nay.

Khai thác đất tại 3 vị trí bổ sung

Thời gian qua, tiến độ thi công 2 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc thiếu hụt nguồn đất đắp.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, những khó khăn lớn nhất trong thi công dự án hiện nay là mặt bằng, đất và cát đắp. Trong đó, việc thiếu hụt nguồn đất đắp ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công Dự án Thành phần 1, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tại Dự án Thành phần 2, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Giám đốc Điều hành dự án thuộc Ban Quản lý dự án 85 Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết, tiến độ thi công các hạng mục của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn đất đắp.

Theo UBND tỉnh, đối với Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về đất đắp hơn 435 ngàn m3, trong đó Dự án Thành phần 1A cần gần 45 ngàn m3, Dự án Thành phần 3 cần hơn 390 ngàn m3. Đối với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhu cầu đất đắp là hơn 5,4 triệu m3, trong đó Dự án Thành phần 1 cần gần 2,3 triệu m3, Dự án Thành phần 2 cần hơn 3,1 triệu m3.

Để có nguồn đất đắp phục vụ thi công 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, thời gian qua, tỉnh cũng đã đề xuất các cơ quan trung ương hướng dẫn thực hiện các thủ tục để khai thác tại các vị trí ngoài quy hoạch. Cụ thể, theo phương án do các chủ đầu tư và nhà thầu thi công đề xuất, Đồng Nai đã kiến nghị Trung ương cho phép khai thác nguồn đất đắp theo 2 phương án gồm: 3 vị trí do các chủ đầu tư và nhà thầu thi công đề xuất bổ sung và khu vực Nhà ga T, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Theo UBND tỉnh, cuối tháng 8 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương thực hiện thủ tục khai thác vật liệu san lấp phục vụ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Vì thế, sẽ thực hiện khai thác tại 3 vị trí trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đúng quy định. Không sử dụng nguồn vật liệu san lấp sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ngân sách nhà nước.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu đất đắp

Theo UBND tỉnh, 3 vị trí đã được thống nhất thực hiện các thủ tục để khai thác nguồn đất đắp phục vụ thi công 2 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh là tại xã Phước Bình (huyện Long Thành) và các phường Tam Phước, Phước Tân của thành phố Biên Hòa.

Cụ thể, khu vực tại xã Phước Bình có diện tích hơn 16 hécta, trữ lượng
3,5 triệu m3. Trong khi 2 khu vực tại phường Tam Phước và Phước Tân có diện tích hơn 15 hécta với trữ lượng 1,18 triệu m3.

Theo tính toán, nhu cầu đất đắp để phục vụ thi công vào khoảng 5,9 triệu m3. Với việc thực hiện các thủ tục để khai thác tại 3 vị trí đã được thống nhất có trữ lượng tổng cộng 4,68 triệu m3, xấp xỉ nhu cầu 5,9 triệu m3.

“Phần khối lượng vật liệu san lấp còn lại khoảng 1,2 triệu m3 sẽ tiến hành mua của các mỏ thương mại hiện có trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.

Để thực hiện khai thác đất đắp tại 3 vị trí nói trên, nhà thầu thi công dự án phải tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp. Khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, nhà thầu có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí với Nhà nước theo quy định. Sau khi khai thác, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ quá trình san gạt hạ cote nền, thu hồi vật liệu để phục vụ các dự án cho đến khi hoàn thành dự án. Không để việc sử dụng nguồn vật liệu sai mục đích, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/go-vuong-mac-ve-dat-dap-cho-2-du-an-giao-thong-trong-diem-de47a84/