Gỡ vướng thuế nhập khẩu bổ sung để tối ưu hóa chính sách bảo hộ sản xuất

Việc áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung là biện pháp cần thiết, tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh và thương mại quốc tế, phù hợp các cam kết, thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, qua triển khai trong thực tế, cơ quan hải quan đã nhìn nhận một số vấn đề bất cập cần được tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra thép nhập khẩu. Ảnh: Lê Thu.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra thép nhập khẩu. Ảnh: Lê Thu.

Công cụ quan trọng bảo hộ sản xuất

Việc triển khai áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam là một trong các công cụ quan trọng bảo vệ các ngành công nghiệp được coi là “non trẻ” của Việt Nam, nhằm tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh và thương mại quốc tế, phù hợp các cam kết, thông lệ quốc tế.

Sẽ phải xác minh nếu có nghi ngờ gian lận

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, khi kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, lưu ý trường hợp có cơ sở nghi ngờ về tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng do doanh nghiệp nhập khẩu nộp, cục hải quan các tỉnh, thành phố gửi bản sao bộ hồ sơ hải quan về Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) xác minh tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng này theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Hiện thuế nhập khẩu bổ sung bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp. Nhóm hàng hóa đang được áp dụng biện pháp chống bán phá giá gồm các sản phẩm kim loại cơ bản như thép, nhôm, vật liệu hàn, hóa chất, nhựa và các sản phẩm liên quan. Biện pháp này cũng áp dụng với nhóm hàng tiêu dùng cơ bản như đường mía; các sản phẩm bột ngọt; một số sản phẩm bàn, ghế… Nhóm hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá chủ yếu có xuất xứ từ các nước có lượng nhập khẩu lớn vào Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Ngoài các vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công thương cũng đã áp dụng thuế tự vệ đối với sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim; đường mía; áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn, thép dây và sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Campuchia, Indonesia, Lào.

Hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không gặp rủi ro khi nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện nêu trên, Tổng cục Hải quan đã cập nhật thông tin về các mặt hàng bị áp dụng, đối tượng áp dụng, mức thuế suất..., gửi đến Hải quan các tỉnh, thành phố để đảm bảo thực hiện đúng và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và vận tải Anh Quân (Hải Phòng) cho hay, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp có gần 20 tờ khai hải quan liên quan đến các mặt hàng thuộc diện bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thuế tự vệ. Ông Quân cho biết, được chủ động phổ biến, chuyển tải các quy định về thuế nhập khẩu bổ sung từ cơ quan hải quan, nên không gặp bất kỳ khó khăn trong quá trình làm thủ tục, ngay cả khi Bộ Công thương ban hành các quy định mới liên quan đến các biểu thuế.

Ngoài ra, với sự hướng dẫn của cơ quan hải quan, doanh nghiệp Anh Quân luôn trong tâm thế sẵn sàng yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp các giấy tờ chứng nhận xuất xứ phù hợp để nộp trong quá trình thông quan. Từ đó, tránh trường hợp phát sinh khai báo thiếu thuế, dẫn đến số thuế phải nộp không đúng và bị xử phạt.

Là đơn vị quản lý trực tiếp doanh nghiệp này, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, việc tuyên truyền tới các doanh nghiệp về chính sách thuế mới áp dụng cho các mặt hàng này là việc làm cấp thiết để đảm bảo thu đúng, thu đủ. Cập nhật đầy đủ các thông tin và tuân thủ các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Theo bà Trương Bình An - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, số liệu năm 2024 (tính đến thời điểm tháng 7/2024), chỉ riêng việc áp dụng thuế chống bán phá giá, Cục Hải quan Hải Phòng đã thu nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại này, phía hải quan địa phương có nhận ra một số vấn đề vẫn đang tồn tại những vướng mắc.

Ví dụ như việc thực hiện xác định mã HS - mã hệ thống mô tả và xác định hàng hóa được áp dụng phòng vệ thương mại hiện vẫn chưa được bổ sung các quy định cụ thể, phù hợp với từng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hay việc áp dụng kết hợp nhiều biện pháp phòng vệ thương mại trên cùng một mặt hàng để chống lẩn tránh phòng vệ thương mại như với thép, đường mía...

Bà Đào Mai Hương - Trưởng Phòng Phân loại hàng hóa - biểu thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, thời gian tới, khi ban hành các quyết định phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cần đưa ra các quy định cụ thể về các tiêu chuẩn áp dụng phòng vệ thương mại. Đồng thời, cũng đề nghị Bộ Công thương khi xây dựng quy định văn bản pháp luật về thuế phòng vệ thương mại nên dẫn chiếu đến thuế xuất nhập khẩu để đồng bộ.

Hơn thế nữa, xét đến cùng, chính sách thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Song, mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có giải pháp giảm giá thành, nâng cao chất lượng để cạnh tranh được với các mặt hàng cùng cấp đối với các nước trong khu vực./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-vuong-thue-nhap-khau-bo-sung-de-toi-uu-hoa-chinh-sach-bao-ho-san-xuat-156543-156543.html