Góc khuất game online: Vượt qua bất hạnh
Vượt qua quá khứ bất hạnh, cùng với sự giúp đỡ tận tình của thầy giáo, 2 bạn trẻ đã cai nghiện game thành công.
Quá khứ bất hạnh
Nhớ lại những năm tháng bất hạnh, H (17 tuổi, quê Hà Nam) kể tìm đến game như một sự quên lãng gia đình, bố mẹ. H thường chơi game xuyên đêm suốt sáng, khi đói nhờ chủ quán úp cho bát mì tôm, khi buồn ngủ thì ngả ghế tranh thủ chợp mắt.
“Em không muốn về nhà. Về nhà lại bị quát mắng. Mỗi bữa cơm là những cái lườm, những câu xúc phạm của cả bố và mẹ. Ngay từ khi còn bé mỗi lần mắc lỗi là bố lại đánh em, mặc kệ nguyên nhân có phải do em hay không. Ở nhà em không cảm nhận được tình thương của bố mẹ, không ai quan tâm. Còn ở quán game em có những người bạn, họ hiểu em muốn gì, thích gì”, H chia sẻ.
H lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra những trận cãi vã ngay trước mặt con. Năm lên lớp 6, H phát hiện ra bố có mối quan hệ bên ngoài, đây cũng là thời điểm hạnh phúc gia đình rơi xuống vực thẳm. Chán nản, lại được bạn bè rủ rê, H bắt đầu chơi game. Thời gian dành cho game mỗi ngày tăng lên, rồi H trở thành “con nghiện” lúc nào không hay. Để trốn tránh những bất hạnh, tìm niềm vui ở thế giới ảo, H bắt đầu bỏ học, bỏ nhà và tham gia vào các nhóm “game thủ”.
“Khi phát hiện con em mình nghiện game, thay vì lắng nghe, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân thì nhiều bậc phụ huynh lại sử dụng đòn roi để răn dạy, vô tình đẩy trẻ ra khoảng cách xa hơn, nảy sinh thái độ bất mãn với bố mẹ. Chỉ đến khi sự việc đẩy đi quá xa như trường hợp nam sinh lớp 11 làm chết bé trai 5 tuổi ở Nghệ An thì chúng ta mới giật mình nhìn lại một cách nghiêm túc”.
Thầy Hoàng Đức Mạnh (giáo viên Trường THCS Lê Thanh, Hà Nội)
“Từ khi lên lớp 6 em đã tìm niềm vui trong tiệm internet. Tất cả tiền ông nội, bố mẹ cho để ăn sáng em đều dành trả cho quán game. Khi không đủ tiền thì em lừa gia đình lấy tiền nộp học, thậm chí là ăn trộm tiền của ông nội”, H kể.
Từng là một học sinh giỏi, có nhiều thành tích học tập vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng H.T.Đ (18 tuổi, ở Hà Nội) đã có lúc tưởng chừng không vượt qua được những biến cố trong cuộc sống. Khi Đ lên 3 tuổi bố mẹ rời bỏ đi tìm hạnh phúc riêng, Đ về ở cùng với bà ngoại. Lớn lên, thiếu vắng tình cảm của bố mẹ, Đ thu mình sống khép kín, cách biệt với mọi người xung quanh.
“Năm lên lớp 8, bố đón em về ở với bố. Nhưng khoảng thời gian sống cùng bố và dì cũng chẳng làm em hạnh phúc. Em tìm đến game làm bạn, ở đó nhiều bạn có hoàn cảnh như em”, Đ chia sẻ.
Trong hai năm học cuối cấp 2, Đ bỏ nhà đi nhiều lần để ra tiệm internet, đắm mình trong những trận chiến ảo. Có thời điểm suốt 2 tháng liền Đ trốn nhà ra quán internet suốt đêm. “Để không bị cả nhà phát hiện, khoảng 10h tối em trèo tường bỏ đi đến 5h30 sáng hôm sau mới về và ngày hôm đó em vẫn đi học bình thường. Đó là những ngày tháng tồi tệ nhất với em, học lực sa sút, sức khỏe bị ảnh hưởng, trí nhớ không còn được minh mẫn, lúc nhớ lúc quên”, Đ nhớ lại.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ hơn
May mắn cho H và Đ khi nhận được sự quan tâm của thầy giáo Hoàng Đức Mạnh (giáo viên Trường THCS Lê Thanh, Hà Nội), người sáng lập CLB “Goodbye game” (tạm biệt trò chơi). Dưới sự hướng dẫn tận tâm của thầy Mạnh, Đ đã dần “cai nghiện”, tự tin tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi và xuất sắc đoạt giải trong kì thi học sinh giỏi môn Lịch sử. Hiện Đ đã trở thành sinh viên khoa Kinh tế vận tải (trường ĐH Giao thông vận tải), đồng thời là người cán bộ Đoàn năng động, tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện. H hiện cũng đã cai được game.
Bảy năm gắn bó với học sinh cá biệt, giúp đỡ nhiều em từ bỏ game, thầy Mạnh cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng nghiện game trong giới trẻ chính là sự thiếu quan tâm, chăm sóc của gia đình. Học sinh bỏ học, tìm đến game để mua vui, lấp đầy khoảng trống thời gian thiếu vắng bố mẹ. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cái hơn”.
Theo thầy Mạnh, sự thiếu hụt không gian lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ tìm đến game làm trò tiêu khiển. Bên cạnh đó, những xung đột tâm lý trong tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân dẫn đến nghiện game: cảm giác khao khát chinh phục, nhu cầu làm chủ bản thân, thích thể hiện cái tôi cá nhân nhưng không được gia đình ủng hộ,…