Góc nhìn nghị trường: Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho phân bón trong nước và nhập khẩu

Phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5% được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.

Các ý kiến kỳ vọng quyết sách đúng với ngành phân bón, mang lại lợi ích cho cả 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Áp dụng thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) 5% hay không áp thuế GTGT đối với phân bón là băn khoăn của rất nhiều đại biểu, bởi chính sách này có tác động trực tiếp lên giá của mặt hàng phân bón, thu nhập của người nông dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Nêu quan điểm không nên áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) lập luận, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá phân bón trên thị trường và điều này sẽ tạo ra những tác động không hề nhỏ đối với ngành nông nghiệp và người nông dân.

 Sơ đồ minh họa tác động của việc áp thuế và không áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón. Ảnh: Petrovietnam

Sơ đồ minh họa tác động của việc áp thuế và không áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón. Ảnh: Petrovietnam

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu cho rằng, việc áp dụng thuế suất GTGT 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các đại biểu phân tích, theo quy định hiện hành, phân bón đang ở diện không chịu thuế GTGT.

Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị, máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.

Tuy nhiên, đối với phân bón nhập khẩu khi xuất khẩu sang Việt Nam, họ vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào, cho nên, họ đã lợi hơn hẳn. Điều này cho thấy, chính sách không áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón đã đi ngược lại so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Hơn nữa, còn tạo ra phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc áp dụng thuế GTGT cho phân bón là 5%. Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ có thể chi phối và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), đồng quan điểm cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất, đồng thời phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước và về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón.

Những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón chất lượng cao trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Do đó, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

NAM TRỰC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/goc-nhin-nghi-truong-tao-moi-truong-canh-tranh-binh-dang-cho-phan-bon-trong-nuoc-va-nhap-khau-801002