'Góc quê thu nhỏ'

Từ đôi bàn tay khéo léo, anh Nguyễn Hùng Cường (ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) đã tận dụng những vật liệu tái chế để 'hô biến' thành những ngôi nhà mô hình mang nét đẹp bình dị. Mỗi ngôi nhà mi-ni được anh Cường làm ra như một 'góc quê thu nhỏ' tái hiện cuộc sống sinh hoạt gần gũi của người dân miền Tây Nam bộ.

Ý tưởng làm nhà mi-ni của anh Cường nảy sinh sau khi tình cờ xem mạng xã hội và biết đến mô hình nhà thu nhỏ. Thấy mô hình dễ thương, ý nghĩa, nên anh bắt tay vào làm những ngôi nhà mô hình mang nét đặc trưng của nếp sống người dân miền Tây Nam bộ bằng nguyên liệu sẵn có, dễ tìm, như: Bìa carton, các que gỗ nhỏ và những vật tái chế khác.

Để hoàn thành tác phẩm đầu tay không dễ dàng, sau nhiều lần thất bại, cải tiến, chỉnh sửa, anh Cường mới hoàn thành sản phẩm đầu tiên mô phỏng “góc quê thu nhỏ” chứa đựng nét đẹp thân thương ngôi nhà của người dân miền Tây. Đến nay, sau hơn 3 năm miệt mài làm nhà thu nhỏ, anh Cường ngày càng “lành nghề”. Mỗi sản phẩm nhà mô hình mi-ni làm ra đều mang nét đẹp rất riêng, tạo cảm giác gần gũi, bình dị và chân thật được khách hàng yêu thích.

Anh Cường cho biết, muốn làm ra được nhà mô hình mi-ni hoàn chỉnh khá kỳ công. Bắt đầu từ việc lên ý tưởng, rồi đến các công đoạn thực hiện. Do mỗi chi tiết trong ngôi nhà đều nhỏ, nên đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì. “Khi bắt tay làm sản phẩm, tôi đều lên ý tưởng trong đầu, hình dung tổng thể và chi tiết trong mô hình. Sau đó, tính tỷ lệ và tiến hành cắt, ghép các thanh gỗ nhỏ để dựng thành khung nhà, dùng lớp gợn sóng ở bìa carton để mô phỏng tấm tole làm vách nhà, mái nhà… Sau đó, làm đến những chi tiết giúp ngôi nhà mi-ni sinh động hơn, như: Cây xanh trước nhà, ô cửa sổ, lu chứa nước, chiếc máy may, bếp lửa… Tất cả đều mô phỏng lại sao cho giống nhất, để giữ nguyên nét chân quê vốn có của ngôi nhà người miền Tây”- anh Cường chia sẻ.

Sau khi các chi tiết cho ngôi nhà hoàn thành, đến công đoạn pha màu, sơn màu tạo sự bắt mắt cho ngôi nhà cũng không kém phần quan trọng. Để phối trộn ra được màu giống như tấm tole gỉ sét, màu gỗ lâu năm là khó nhất. Vì cố gắng tái hiện những chi tiết để tạo ra cảm giác chân thật cho ngôi nhà mi-ni giống với ngôi nhà đời thực nên mỗi tác phẩm cần đến vài ngày mới hoàn thành. Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo, những ngôi nhà mi-ni của anh Cường làm ra đều rất sinh động từ mái lá, đến gian nhà, chái bếp hay chuồng gà, chuồng bò đều giống như thật, dù kích thước mỗi chi tiết chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay.

Điểm tạo nên ấn tượng từ sản phẩm nhà mi-ni của anh Cường là những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình được bày trí, sắp xếp hợp lý, trật tự, như: Bộ bàn ghế, chiếc máy may, ti-vi, bếp củi, khoảng sân phơi đồ… Đặc biệt, trong ngôi nhà mi-ni còn hiện diện khung cảnh, nếp sống quen thuộc của người dân miền Tây, như: Cảnh những người thân trong gia đình quây quần bên mâm cơm; cảnh mỗi người, mỗi thế hệ trong gia đình làm mỗi việc thường nhật hoặc cảnh trẻ nhỏ chơi đùa cùng nhau… Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa và cảm giác gần gũi cho người xem tác phẩm.

Ban đầu, anh Cường làm ra ngôi nhà mi-ni chỉ vì sở thích và để trang trí trong gia đình. Tuy nhiên, khi hình ảnh được chia sẻ lên mạng xã hội, có nhiều người hỏi mua, nên anh Cường quyết định làm mô hình nhà mi-ni để cung cấp cho người có nhu cầu. Ngôi nhà mi-ni có kích thước nhỏ gọn, có thể bố trí cùng tiểu cảnh, trưng bày trong nhà hoặc thả vào hồ thủy sinh đều thích hợp. Đến nay, anh đã làm ra và bán cho người mua hàng trăm mô hình nhà mi-ni, mỗi sản phẩm có giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, tùy kích thước và sự kỳ công của những chi tiết trong căn nhà mô hình.

Sau thời gian miệt mài tạo ra nhiều ngôi nhà mi-ni, tích lũy kinh nghiệm, đến nay mỗi sản phẩm anh Cường làm ra đều rất sắc sảo và ngày càng sinh động, được những người đam mê tiểu cảnh nhiệt tình đón nhận. Mô hình nhà mi-ni này không chỉ là thú chơi, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp, sự hoài niệm về nếp sống thân thương vốn có của người dân miền Tây Nam bộ.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-goc-que-thu-nho--a407588.html