Gốc rễ của kiểm soát quyền lực

Từ xưa đến nay quyền lực luôn tác động ghê gớm đến khả năng phát triển của con người và tổ chức. Vì vậy, kiểm soát quyền lực luôn là trọng tâm của mọi nền chính trị dân chủ. Và gốc rễ của việc kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát người có quyền lực. Đảng ta ngay từ khi ra đời đã tiếp thu những bài học quý báu của cha ông để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phụng sự sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt: Mặt tích cực và mặt tiêu cực. Trong lịch sử từng có những con người vì tham quyền đã để lại tiếng xấu muôn thuở, trở thành những kẻ bán nước cầu vinh bị người đời khinh miệt. Nhưng cũng có những con người dựa vào quyền lực, thuận theo thời thế, vì chính nghĩa để đưa đất nước tiến lên, vượt qua khủng hoảng. Là anh hùng hay tội đồ dựa vào thành bại trong việc trị vì và những việc họ đã làm đối với dân tộc, với nhân dân.

Vấn đề kiểm soát quyền lực là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh K.T

Vấn đề kiểm soát quyền lực là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh K.T

Cổ nhân xưa từng nói: Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là 4 “sợi dây” làm nên một xã hội, đất nước; mất một dây thì nước nghiêng; mất 2 dây thì nước nguy; mất 3 dây thì nước sẽ đổ; mất 4 dây nước sẽ diệt. Nước nghiêng thì có thể kê lại cho ngay ngắn; nước nguy thì có thể cứu nguy được; nước đổ có thể dựng lại được nhưng nước diệt thì không thể cứu được. Lễ, nghĩa là đại pháp để trị người. Liêm, sỉ là đại tiết để giúp con người nên người. Vì nếu không liêm thì của gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến như thế, thì họa bại vong loạn còn cái gì mà chẳng đến. Kẻ làm quan mà cái gì cũng dám lấy, cái gì cũng dám làm, thì làm sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được.

Xã hội càng văn minh thì sự tha hóa quyền lực càng tinh vi. Vì vậy, khi quyền lực được trao cho tổ chức, cho nhóm người, cho cá nhân thì nhất định phải có sự kiểm soát quyền lực. Trao quyền lực, thực thi quyền lực cũng đồng thời với việc phải kiểm soát quyền lực. Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ làm tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị.

Lịch sử nước ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ: như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn.

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, thời Lê Thánh Tông trị vì (1442-1497) được đánh giá là thời kỳ phát triển rực rỡ. Trong đó, việc kiểm soát, hạn chế sự lạm quyền được thể hiện rõ nét, đặc biệt qua hai lĩnh vực tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và áp dụng pháp luật. Kiểm soát, hạn chế quyền lực vừa được chủ động sử dụng như một phương tiện, vừa được đặt ra như một mục đích trong tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước thời Lê Thánh Tông. Ý thức được sự lạm quyền rất dễ xảy ra ở những vị trí “đứng dưới một người và đứng trên trăm người”, Lê Thánh Tông đã bãi bỏ các chức Tể tướng, Đại hành khiển, Tam tư - vốn là các chức quan có nhiều quyền hành trong triều đình phong kiến (Tể tướng thường được giao điều hành toàn bộ quan lại triều đình, Đại hành khiển đứng đầu quan văn, ba chức Tam tư là những quan lại cao cấp trong bộ máy nhà nước). Bên cạnh đó, ý thức được sự thao túng quyền lực còn dễ xảy ra ở các đại thần thuộc hàng “khai quốc”, Lê Thánh Tông cũng chỉ giao cho các vị này chức vụ mang tính hình thức, chủ yếu cho hưởng phẩm cao bổng hậu mà không được đảm nhiệm các trọng trách trong bộ máy nhà nước.

Hơn ai hết, sau loạn Nghi Dân, Lê Thánh Tông cũng là người hiểu rõ nhất độ nguy hiểm của sự tha hóa của quyền lực, thấy được việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế lạm quyền trong triều đại của ông là một yêu cầu cấp thiết.

Trong thập kỷ 40 của thế kỷ XX, một trong những điều trăn trở nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, đó là: “Khi cán bộ của chúng ta chưa có quyền lực trong tay có thể nói họ rất trong sạch, gắn bó với dân, tận tụy, không quan liêu, không tham nhũng, không hủ hóa, nhưng đó là chuyện của ngày hôm trước, chỉ ngày hôm sau cầm quyền có thể người cán bộ đã khác”.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa xuân năm 1930, đến mùa thu năm 1945, Đảng ta - “một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, vừa trở thành đảng cầm quyền, thực thi quyền lực chính trị trong bối cảnh đã có bộ máy quyền lực nhà nước thì một trong những vấn đề cơ bản và quan trọng trong phương thức lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm là kiểm soát quyền lực, hay nói cách khác là kiểm soát quyền lực mà nhân dân đã ủy thác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Và Người cũng lo lắng khi trao quyền lực rồi thì đội ngũ cán bộ ấy sử dụng quyền lực ra sao để kiến tạo nền dân chủ cộng hòa, xây dựng chế độ mới, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, Người đã căn dặn: Chúng ta là những cán bộ trong các cơ quan đoàn thể phải giữ đúng bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính mới có thể làm gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều sự quan tâm đến cá nhân người cán bộ khi được trao quyền lực. Người cho rằng: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Sau khi có đường lối đúng thì khâu quyết định là lựa chọn đúng cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước chính là kiểm soát “cán bộ”: “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Đặc biệt, trong Di chúc để lại trước khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin… trong đoạn nói về Đảng cầm quyền Người không quên nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây cũng chính là triết lý tư tưởng, triết lý đạo đức của Đảng chính trị, là văn hóa đạo đức của Đảng cầm quyền; cũng là triết lý tu dưỡng, sửa mình của người cách mạng.

Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân, mà dần dần thành nhà nước đi ngược lại lợi ích nhân dân. Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc; và mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời.

Mới đây, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Không phải ngẫu nhiên Quy định số 205-QĐ/TW được ban hành vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá việc Đảng ban hành quy định để kiểm soát quyền lực rất đúng thời điểm, cần thiết đối với công tác chuẩn bị nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo.

Gốc rễ của kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát người có quyền lực hay người được trao quyền lực, nói như chúng ta ngày nay là kiểm soát cán bộ, đảng viên. Những đúc kết của cổ nhân, những bài học trong lịch sử và những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vẫn còn nóng hổi mỗi khi chúng ta nghĩ về thế, thời của đất nước.

Hoài Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/goc-re-cua-kiem-soat-quyen-luc-127322.html