Gọi tên nông sản đặc trưng

Những năm qua, huyện Đam Rông đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc sản nổi bật mang giá trị cao. Sản phẩm đặc sản được bảo hộ, giúp người sản xuất, kinh doanh có đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro về biến động giá cả, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phát triển rau, hoa nhà kính đang là hướng đi mới của Đam Rông trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân

Phát triển rau, hoa nhà kính đang là hướng đi mới của Đam Rông trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân

Xây dựng sản phẩm thế mạnh của từng vùng

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2019, huyện Đam Rông đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của nông hộ, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của từng tiểu vùng. Cụ thể, Tiểu vùng 1 (xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng) tập trung canh tác, sản xuất sản phẩm chủ lực: Chuyển đổi và thâm canh cây cà phê ổn định diện tích 3.500 ha, năng suất trung bình trên 4,5 tấn/ha; phát triển diện tích trồng rau, hoa thương phẩm 700 ha (chủ yếu trong nhà kính), diện tích trồng mắc ca xen trong vườn cà phê trên 1.000 ha, chuối laba trên 300 ha, diện tích dâu tằm 200 ha và chăn nuôi bò thịt cao sản, phấn đấu diện tích ứng dụng công nghệ cao từ 1.000 -1.200 ha. Tiểu vùng 2 (xã Rô Men, Đạ Rsal và Liêng Srônh), tập trung canh tác, sản xuất sản phẩm chủ lực: thâm canh ổn định diện tích cà phê 4.000 ha, năng suất trên 4 tấn/ha; phát triển trồng cây ăn trái (sầu riêng, bơ, bưởi da xanh) xen vườn cà phê diện tích trên 1.500 ha, diện tích dâu tằm 300 ha, thủy sản (nuôi cá nước lạnh 10 ha), diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 500 - 700 ha. Tiểu vùng 3 (xã Đạ Tông, Đạ M’Rông và Đạ Long), tập trung canh tác, sản xuất sản phẩm chủ lực: thâm canh diện tích lúa 840 ha (xây dựng trên 150 ha sản xuất lúa chất lượng cao), năng suất trung bình phấn đấu đạt trên 60 tạ/ha; phát triển diện tích trồng dâu tằm trên 300 ha, ổn định diện tích cà phê 1.000 ha, năng suất trên 2,5 tấn/ha và gia súc (bò lai sind, heo đen), thủy sản, xây dựng vùng sản xuất lúa, trồng dâu nuôi tằm ứng dụng công nghệ cao đạt 50 -100 ha. Thông qua các nguồn vốn đầu tư đã hình thành vườn hộ, mô hình sản xuất điểm cho năng suất, thu nhập cao.

Kinh tế nông nghiệp Đam Rông có những thay đổi sau nhiều năm phát triển. Đặc biệt từ năm 2018, ở xã Đạ K'Nàng, Phi Liêng xuất hiện mô hình sản xuất rau, quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội so với canh tác sản xuất truyền thống. Từ chỗ tập quán canh tác lạc hậu, năng suất thấp, đến nay diện tích ứng dụng công nghệ cao của huyện không ngừng tăng lên qua từng năm, nếu như năm 2015 trên địa bàn huyện không có diện tích nhà lưới, nhà kính thì đến nay đã phát triển được 15 ha nhà kính và 10 ha nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, đồng thời xây dựng được 1 chuỗi giá trị rau, củ, quả.

Tạo các chuỗi liên kết

Là một trong những huyện có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, thời gian qua, Đam Rông có nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong xu thế chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng, vì vậy công tác xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng luôn được huyện quan tâm thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành, thị trấn tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản, truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện OCOP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Qua rà soát, toàn tỉnh có 100 sản phẩm đặc sản, đặc trưng. Trong đó, Đam Rông cũng góp nhiều sản phẩm như: chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê Trường Ca, mắc ca, trầm hương, trà dây Đam Rông…

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện là một trong những hướng đi cần thiết, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Đã có nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn tại các địa phương. Sản phẩm tiêu biểu của HTX như rau, trái cây,… có năng suất, chất lượng cao và đồng đều, được tiêu thụ tại các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong cả nước.

Từ hơn một năm nay, sản phẩm chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đều đặn mỗi tuần xuất 20 tấn sang thị trường Nhật Bản. Đối với một huyện nghèo như Đam Rông, mô hình trồng chuối hướng đến xuất khẩu đang thực sự mở ra một hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho bà con nơi đây. Hiện HTX đã phát triển vùng sản xuất lên đến trên 150 ha, thương hiệu của HTX đang được xây dựng khá vững chắc.

Hay như, ở xã Đạ Rsal là gần 70 ha sầu riêng, trong tổng số 130 ha cây ăn quả trồng xen cà phê của bà con nông dân.Trong kế hoạch phát triển sản xuất của xã Đạ Rsal giai đoạn 2016 - 2020, xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng. Việc thành lập hợp tác xã chuyên canh sầu riêng cũng đã được triển khai, qua đó từng bước tạo dựng được thương hiệu sầu riêng của huyện.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đam Rông cho biết, thời gian tới, để tiếp tục phát triển một số mặt hàng nông sản đặc trưng và có giá trị cao, Đam Rông đẩy mạnh sản xuất, chế biến tập trung; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và vào cuộc cùng với nông dân hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu. Huyện tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các mặt hàng nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.

Vị thế nông sản của Đam Rông được nâng lên thông qua các sản phẩm mang tên địa danh như: sầu riêng Đạ Rsal, chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê Robusta Đam Rông… Bước đầu định hình được tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững KT-XH, định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/goi-ten-nong-san-dac-trung-2963301/