Golden Rock- ngôi chùa trên hòn đá thiêng nghiêng mãi không đổ ở Myanmar

Chùa Golden Rock (chùa Hòn đá vàng), hay Chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi chùa cổ và nổi tiếng nhất trong các ngôi chùa ở Myanmar, nơi đây còn được cho là hòn đá thiêng cất giữ sợi tóc của Đức Phật.

Chùa Golden Rock hay chùa Kyaikhtiyo là một trong những di tích vô cùng nổi tiếng của Myanmar, được xếp hạng là di sản văn hóa thế giới. Chùa nằm trên đỉnh núi Kyaikhtiyo với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển và cách Yangon hơn 200 km. Chùa tọa lạc trên một khối đá hình quả trứng có chiều cao 7,3m chu vi 15,2m. Tương truyền, ngôi chùa cổ và nổi tiếng này được xây dựng cách đây 2.500 năm.

Một trong những điểm khiến ngôi chùa trở nên nổi tiếng là nhờ tọa lạc trên một khối đá nằm chênh vênh bên sườn núi. Điểm tiếp xúc giữa hòn đá khổng lồ và vách núi chỉ khoảng 78cm2. Nhìn từ xa, trực như hòn đá sắp rơi xuống vực, nhưng hòn đá thiêng này vẫn trụ vững hàng nghìn năm qua.

Chùa Golden Rock được gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng ở cửa Phật. Theo truyền thuyết, khi Đức Phật ghé thăm Kyaikhtiyo, ông đã cho một nhà tu hành đức hạnh một sợi tóc của mình. Người này tới gặp đức vua Miến Điện, thỉnh cầu ông cất giữ vật báu trong một hòn đá giống hình đầu mình.

Nhà vua, người sở hữu những phép thuật kỳ diệu, đã tìm thấy một hòn đá thích hợp dưới đáy biển sâu. Ông mang nó tới Kyaikhtiyo và đặt ở vị trí hiện tại. Người ta cho rằng, nhờ có sợi tóc quý cất giấu trong đó, ngôi chùa đặc biệt mới không bị đổ.

Chiếc thuyền và dây thừng được biến thành đá, và được đặt tên thành chùa Kyaukthanban, nằm cách Golden Rock khoảng 300m để giữ hòn đá không rơi. Với những ai đã từng đi tour du lịch Myanmar, việc chiêm ngưỡng một hòn đá và ngôi chùa được phủ bằng vàng lá nằm cheo leo trên đỉnh núi là điều thú vị có một không hai.

Để viếng thăm chùa, du khách có thể đi xe bán tải hoặc đi bộ xuyên qua các khu rừng rậm rạp từ bến xe tại vùng Kimmunsakhan đến trại Kinpun dưới chân núi Kyaikhtiyo. Người dân Myanmar vẫn thường nói, ngồi xe chinh phục chùa cũng là một trải nghiệm cảm giác mạnh khi du khách sẽ phải lắc lư trên chiếc xe gầm rú leo lên các con dốc quanh co dài 11km trong gần 1 giờ đồng hồ.

Chuyễn xe cuối cùng rời khỏi ngôi chùa sẽ là vào 6h chiều mỗi ngày. Ngoài thời gian đó, du khách sẽ phải tự mình di chuyển xuống núi.

Tuy nhiên, chừng đó du khách mới chỉ có thể đến chân núi. Sau đó, du khách sẽ phải đi bộ hoặc có thể thuê kiệu sedan gồm 4 người đàn ông trẻ, mạnh khỏe khiêng. Ngồi trên kiệu, cùng nhún nhảy theo nhịp bước của “cửu vạn”, lại có những phút thư giãn ngắm cảnh hai bên đường, có lẽ cũng là một trải nghiệm thú vị. Giá thuê kiệu khoảng 10 USD/người và khoảng 4 đô la tiền bồi dưỡng thêm cho người khiêng.

Dọc tuyến đường lên chùa, nhiều "cửu vạn" nhận dịch vụ mang vác đồ thuê phục vụ cho kinh doanh và xây dựng chùa.

Hình ảnh quen thuộc của những đoàn nhà sư khất thực.

Tại cổng, hai con sư tử hay được gọi là Thần bảo hộ Chinthes đứng sừng sững ở lối vào, bảo vệ cho ngôi chùa. Bao quanh ngôi chùa là không gian thiêng liêng với mùi thơm của nến, hương, tiếng tụng kinh của những người theo đạo cũng như màu sắc đa dạng của những món lễ vật.

Ngôi chùa mở cửa tất cả các ngày. Giá vé vào cửa là 6 USD/ người. Mỗi ngày, có hàng trăm Phật tử và du khách đến thăm hòn đá thiêng này.

Bất cứ du khách nào đến viếng thăm chùa đều không quên ghi lại hình ảnh tại đây.

Thậm chí, nhiều du khách còn tham gia vào các trò chơi thể thao cùng với người dân địa phương.

Vì đây là nơi linh thiêng với người Myanmar, ngay từ cổng vào, du khách phải cởi giày bỏ tất, đi chân trần vào trong chùa.

Theo tục lệ Myanmar, chỉ có đàn ông được lại gần chân tảng đá và chùa để có thể dán những miếng vàng dát mỏng lên, áp đầu vào hòn đá và cầu nguyện.

Phụ nữ phải dừng lại trước một hàng rào sắt ngăn cách với chùa. Họ chỉ có thể thành kính dâng lễ vật cúng lên các bàn thờ rồi quỳ trên nền đất, cầu nguyện.

Những chiếc chuông cầu nguyện được treo khắp rào sắt bên ngoài chùa. Trên các chuông treo, có nhiều cái tên đến từ Việt Nam.

Những cô gái tranh thủ ghi lại hình ảnh với ngôi chùa khi viếng thăm chùa.

Tại Myanmar, các ngôi chùa dường như trở thành nơi sinh hoạt của người dân xứ xở chùa vàng, nhiều người mang theo đồ ăn nhẹ, thậm chí ngủ bên ngay trong khuôn viên chùa.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/golden-rock-ngoi-chua-tren-hon-da-thieng-nghieng-mai-khong-do-o-myanmar-103092.html