Gốm phù điêu, Gốm Tuyên và văn hóa Việt trên tinh hoa của đất

'Trong sự thành công của Gốm Tuyên là ông đã dựa trên dáng dấp của người xưa và cải biên nó đi, và lấy cải biên làm cơ bản. Cái men xưa cũng cải biên, pha trộn với nhiều đường nét khác nhau, bổ sung cho nhau để mang một nền tư tưởng, trên đó là những phù điêu, hoa lá' - nhận xét của GS TS Trần Lâm Biền về gốm Tuyên.

Trên con đường mùa xuân, gốm Việt nói chung và gốm phù điêu nói riêng đã và đang tiếp nối văn hóa, thẩm mỹ độc đáo của người Việt, lan tỏa khát vọng sống, cống hiến của người nghệ nhân. Gốm cũng như người, mang hơi thở thời gian, tiếng nói riêng, chuyển tải khát vọng sống, khát vọng trường tồn qua lớp lang tinh hoa nghệ thuật.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên - Xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng: Tôi xem gốm như một sứ mệnh, ngoài sự nghiệp phụng sự đạo pháp dân tộc, gốm là một lực hút đối với tôi, tôi cảm thấy mình bị cuốn. Bằng tâm huyết bằng một tình yêu đối với gốm, tôi đã gửi gắm bằng tất cả tâm tư, bằng ý niệm trên từng tác phẩm gốm. Khi chế tác gốm, tôi chú trọng hàm lượng văn hóa trong thần thuần Việt, tôi muốn thể hiện trên toàn bộ hệ thống gốm phù điêu mà tôi là người sáng tạo độc lập phát triển.

Trong dòng chảy mấy ngàn năm của gốm Việt, đã xuất hiện lớp lớp nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa và khối óc giàu mỹ cảm, tạo nên những tác phẩm gốm không chỉ độc đáo về tạo hình, chất men riêng có, mà mỗi giai đoạn, mỗi thời đại, các sản phẩm gốm đều mang hơi thở của đất, của nước, của lửa, của từng vùng đất, con người nơi gốm được tạo tác, hồi sinh.

10 thế kỷ đầu Công nguyên cho đến thời kỳ nhà nước phong kiến, những khối đất vô tri qua trình độ và kinh nghiệm người thợ đã tạo nên những sản phẩm gốm mang sắc thái bản địa riêng biệt. Rồi từng cuộc cách mạng gốm sứ đã được hình thành. Gốm sứ ngày phát triển ngày mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, văn hóa, tạo thành bản sắc riêng có, loại hình phong phú, trang trí đa dạng, độc đáo về mỹ thuật.

Các dòng gốm, lò gốm xuất hiện ngày một nhiều suốt một dải đất Việt. Đồ gốm cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hóa, nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao và hình thành các trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng của người Việt. Trên mỗi đoạn thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử, những khối đất vô tri đã nở hoa, lan tỏa dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt.

“Gốm Việt Nam đã để lại rất nhiều những dấu ấn trong lịch sử từ Bắc vào Nam. Ở miền Bắc có Bát Tràng có Thổ Hà có chu đậu, miền Trung có phước Tích có bầu chạp đến miền Nam có cây mai có Biên Hòa lái thiêu những… để lại cho chúng ta một di sản rất lớn kể cả có những tên tuổi ấy đã bị thất truyền nhưng chúng ta đang cố gắng phục hồi có thể nói của Việt Nam rất đặc sắc nó thể hiện được một vùng đất và thiên nhiên đa dạng phong phú và rất nhiều cộng đồng dân tộc mỗi một thành phần ấy đóng góp chung vào văn hóa Việt Nam”.

"Lặng nghe tiếng đất cựa mình

Mồ hôi thẫm rơi từng giọt

Lớp lớp lửa loang thân gốm…"

Gốm ra đời từ nhu cầu cuộc sống, từ tình yêu của người nghệ nhân, có hưng vượng, có thất truyền nhưng mỗi giai đoạn lại được gây dựng lại, sáng tạo thêm để làm giàu chất liệu cho gốm, tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của ông cha, lưu giữ hồn cốt dân tộc.

Có một nghệ nhân độc hành trên con đường gốm của mình với mong ước tiếp thu tinh hoa, chắt lọc giá trị gốm cổ để tái hiện trên những tác phẩm gốm phù điêu vừa tĩnh, vừa động, vừa mang theo những câu chuyện, con người, cuộc sống hôm qua và hôm nay.

Gần 30 năm phụng sự đạo Pháp dân tộc, được chiêm ngưỡng, nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là đồ gốm phù điêu đã khiến Đại đức Thích Chánh Tịnh, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên ở Hải Phòng cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của gốm phù điêu, về những giá trị văn hóa dân tộc đang bị bào mòn bởi thời gian. Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt, ông đã gửi gắm vào đó hơn cả sự đam mê, tận hiến phục dựng trên từng tác phẩm gốm.

Việc phục dựng những tác phẩm gốm với men, phù điêu cổ là vô cùng khó khăn, nhưng nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên vẫn quyết tâm sáng tạo, biến hóa trên gốm. Thực tế cho thấy, tiếng đất gọi bàn tay, các tác phẩm của ông được đắp bồi bằng tâm tư, tình cảm, tình yêu gốm lớn dần trọn vẹn trong từng hơi thở ấy đã giúp ông tạo ra những khuôn diện mới, tác phẩm mới, dấu ấn cá nhân đậm nét của nghệ nhân Phạm văn Tuyên cũng đặt nền móng mới cho gốm phù điêu.

Họa sĩ Hòa Trí Hiếu: Chân đèn sản phẩm độc đáo và không phải dễ, không phải ai cũng làm được. Đến bây giờ, cũng không nhiều người thành công. Đánh giá rất cao nghệ nhân Phạm Văn Tuyên phục chế được chân đèn. Sản phẩm tạo ra dấu ấn riêng của mình. Bởi, mỗi một lần sao chép, không phải cái nào cũng giống cái nào. Tinh thần chung có thể giống nhưng mỗi sản phẩm sẽ có cái riêng, đưa tâm hồn của nghệ nhân ấy vào. Tôi cho rằng, đời sống của gốm nằm trên chính bề mặt của gốm. Đấy là sự phát triển, sự tiếp nối truyền thống của gốm.

GS.TS Trần Lâm Biền: Cái gì cũng có giá trị thành công của nó. Trong sự thành công của Gốm Tuyên là ông đã dựa trên dáng dấp của người xưa và cải biên nó đi, và lấy cải biên làm cơ bản. Cái men xưa cũng cải biên, pha trộn với nhiều đường nét khác nhau, bổ sung cho nhau để mang một nền tư tưởng, trên đó là những phù điêu, hoa lá.

Trong gian phòng nhỏ trưng bày gốm, có thể thấy lớp lang nghệ thuật ẩn hiện trên từng tác phẩm. Người nghệ nhân đã tái hiện, phục dựng lại những đồ gốm phù điêu, đắp nổi các họa tiết hoa văn trên các bình gốm, các vật phẩm tiền triều như chân đèn, lư hương, những tác phẩm danh nhân, anh hùng lịch sử hay những tác phẩm mang yếu tố phong thủy như cửu long tranh châu, hội tụ nét thâm trầm đặc trưng của gốm sứ thời Lê, thời Mạc hay phong cách quyền quý của hoa văn thời Lý, thời Trần. Điều đặc biệt là các tác phẩm phục dựng của ông có thể khối lớn, ít được các nghệ nhân thực hiện đã cho thấy năng lực xử lý gốm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên - Xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng: “Tôi chú trọng tạo ra độc bản mỗi một tác phẩm mang một nội dung và một cách thể hiện khác nhau vì thế tôi ngày đêm cũng chỉ nghĩ về gốm và miệt mài tinh cần để không ngừng tìm tòi sáng tạo với những ý tưởng mới và những cách thức diễn đạt mới để chinh phục những đồ khó cao khi qua lửa.”

Miệt mài và tinh cần, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã sáng tạo trên gốm, càng khó khăn, thử thách càng đam mê sở hữu những kỹ năng mới. Thăng hoa trong sáng tạo, pha trộn cái tĩnh của nhà tu hành và cái động phóng khoáng của người nghệ nhân đã tạo ra những tác phẩm gốm vừa tinh tế vừa bay bổng, khoáng đạt.

Mỗi một vùng đất, mỗi một làng nghề, một nghệ nhân đều cất giấu nhưng bí quyết riêng, tạo nên nét đặc sắc, độc đáo trên từng tác phẩm nhưng tình yêu với gốm, khát vọng khẳng định cái tôi riêng trên gốm thì không vùng đất nào, làng nghề nào, nghệ nhân nào giấu cả, tất cả đều nở bung, rạng rỡ trong góc nhìn của người yêu gốm, sành gốm và sở hữu gốm. Gốm phù điêu và nghệ nhân Phạm Văn Tuyên cũng thế.

Gần 5 năm sau khi trình diễn các tác phẩm đầu tiên, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã đạt độ chín trong nghề, mỗi tác phẩm được gửi gắm tình yêu gốm, tình thần dân tộc, sự sáng tạo và bối cảnh cuộc sống. Chào đón năm Nhâm Dần 2022, ông lại thử độ khó trong chế tác tượng hổ với thể khối lớn.

Tượng hổ được xem là linh vật giám hộ hướng Tây, đầy uy lực, linh thiêng và được thờ phụng trong dân gian. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, các ông Hổ to lớn, dũng mãnh nhưngcũng rất uyển chuyển, tinh tế với màu men hỏa biến đây sức hút.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên - Xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng: Chào đón Xuân Nhâm Dần, gốm phù điêu cũng chế tác tượng hổ thể hiện một tinh thần dũng mãnh oai phong, ước mong một năm mới 2022 đầy triển vọng đầy sức mạnh nội sinh một năm thịnh vượng phát đạt tượng hổ với nước men hòa biến lớp lang sẽ tạo ra một sắc thái màu da của hồ lung linh và mang đậm chất khí của mùa xuân.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Con hổ trông rất dũng mãnh nhưng nó rất hiền hòa và nó gần như được che chắn bảo trợ cho con người và điều đó cũng mang lại cảm xúc rất cần cho thời hiện đại chúng ta là cần phải bảo vệ động vật hoang dã, coi đó là sự thân thiện chứ không nên nhìn nhận nó như một cái gì đó đe dọa cuộc sống con người. Năng lực của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên thì rất giỏi tôi cũng góp ý anh có thể thể hiện tất cả nhưng hãy trở về cái gì nối kết được với quan niệm của dân gian, quan niệm của xã hội còn nếu thể hiện một con vật tôi rất tin tưởng thầy có thể làm được những sản phẩm nhưng làm sao ra cái tinh thần truyền thống cái tâm hồn, tâm thế của người Việt Nam là điều rất khó.

Trên con đường mùa xuân, gốm Việt nói chung và gốm phù điêu nói riêng đã và đang tiếp nối văn hóa, thẩm mỹ độc đáo của người Việt, lan tỏa khát vọng sống, cống hiến của người nghệ nhân. Gốm cũng như người, mang hơi thở thời gian, tiếng nói riêng, chuyển tải khát vọng sống, khát vọng trường tồn qua lớp lang tinh hoa nghệ thuật.

Người yêu gốm, yêu cả sự mộc mạc trong nếp nghĩ của người nghệ nhân chỉ muốn tìm về quá khứ, để nghe tiếng đất gọi bàn tay, để tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của ông cha, lưu giữ hồn cốt dân tộc, hay chỉ đơn giản là nét tâm tình, gửi gắm tình yêu, sự sáng tạo vào đất, vào gốm./.

Thực hiện : Bích Hạnh Thùy Linh Vũ Hiếu Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dat-no-hoa-mang-hoi-tho-thoi-gian-bang-tinh-hoa-nghe-thuat