Góp phần dịu bớt nỗi đau

Trời miền Trung mưa tầm tã cuối tuần qua do ảnh hưởng của bão Matmo (bão số 5), nhưng từ sáng sớm các bác sĩ tình nguyện của Tổ chức Medical Outreach of America (MOA) đã lội bì bõm vào Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng (Trung tâm) để khám bệnh cho bệnh nhân ở đây.

Những bệnh nhân đặc biệt

Khi 13 chuyên gia y tế của MOA, với sự trợ giúp của các giáo viên và sinh viên thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng đang bố trí các bàn khám bệnh cho hợp lý ở Trung tâm sáng 2-11 thì xe chở những người đến khám đầu tiên cũng tới.

“Hội chúng tôi có hai trung tâm chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Các em được xe đón tới chăm sóc tại trung tâm vào buổi sáng và buổi chiều xe lại chở các em về sinh hoạt với gia đình”, ông Phan Thành Tiến, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng nói.

Khám bệnh cho trẻ em đã khó, khám bệnh cho các em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin càng khó hơn. Mỗi em mang trên mình những căn bệnh, dị tật khác nhau và đây là thử thách lớn với các bác sĩ Mỹ. Có lẽ lường trước được khó khăn này, đoàn bác sĩ đã chuẩn bị kẹo hoặc máy ảnh chụp tặng các em để các em không ngại khám bệnh. Bên cạnh đó, những bác sĩ còn được các giáo viên của Trung tâm hỗ trợ, cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của các em vì hơn ai hết họ là những người chăm sóc trực tiếp các em kể từ khi Trung tâm được thành lập năm 2011.

Bác sĩ Eddie Atwell, Chủ tịch MOA chia sẻ: “Các thành viên trong đoàn của chúng tôi đều là những người tình nguyện. Họ tự nguyện đóng góp thời gian và toàn bộ kinh phí trang trải cho chuyến đi như vé máy bay, chi phí ăn, ở và tiền mua thuốc cấp miễn phí cho bệnh nhân”.

 Bác sĩ Eddie Atwell (ngoài cùng, bên phải) khám cho một bệnh nhân chất độc da cam/dioxin và hướng dẫn cho các sinh viên.

Bác sĩ Eddie Atwell (ngoài cùng, bên phải) khám cho một bệnh nhân chất độc da cam/dioxin và hướng dẫn cho các sinh viên.

Thuốc cho hơn 100 bệnh nhân ở Trung tâm sẽ không bao giờ đủ bởi họ phải sống cùng những căn bệnh quái ác. Nhiều em bị biến dạng chân tay, nhiều em bị bệnh down, có em dị tật cột sống, có em bị điếc… và thực tế là chưa có thuốc nào chữa được các căn bệnh do chất độc da cam/dioxin gây ra. Thế nhưng, sự chăm sóc y tế thường xuyên và đúng cách cùng những lời khuyên của các bác sĩ Mỹ cũng giúp được các em phần nào giữ gìn sức khỏe, cụ thể nhất là rất nhiều em đã được lấy cao răng và xử lý các vấn đề về răng ngay trong buổi khám.

Người khuyết tật được quan tâm

Khác với các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những bệnh nhân mà đoàn của MOA thăm khám ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại chủ yếu là người lớn bị tàn tật do tuổi cao, bệnh tật hoặc tai nạn.

“Nguồn lực y tế để khám tổng thể cho người khuyết tật là rất khó nên có được sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức y tế nước ngoài là điều kiện thuận lợi để giúp nâng cao sức khỏe cho người khuyết tật”, bác sĩ Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang nói.

Tận dụng cơ hội có đoàn của MOA về khám bệnh, bác sĩ Sơn đã huy động hệ thống y tế của mình để chọn lựa bệnh nhân từ các xã trong huyện để đến khám bệnh trong ba ngày cuối tháng 10. “Toàn huyện có khoảng 8.200 người khuyết tật nhưng chúng tôi ưu tiên chọn ra hơn 500 trường hợp được khám bệnh đợt này”, bác sĩ Sơn cho biết thêm.

Khám cho hơn 500 trường hợp chỉ trong ba ngày là quá nhiều so với công việc hằng ngày ở Mỹ của 13 thành viên trong đoàn MOA. Thế nhưng, sự nhiệt tình và kinh nghiệm cùng sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, các bệnh nhân đều vui vẻ khi khám xong: Người cần đeo kính được cấp kính, người cần thuốc được cấp thuốc, người có băn khoăn về tình trạng bệnh tật cũng yên tâm hơn khi biết hướng điều trị.

Ông Atwell cho biết, việc tổ chức được nhóm bác sĩ đến Việt Nam khám bệnh không dễ dàng chút nào khi phải lên kế hoạch trước nhiều tháng với nhiều thủ tục và sự chuẩn bị kỹ càng để có được sự tham gia của nhiều thành viên. Lần này đến Việt Nam là lần thứ tư nhưng sự có mặt của 13 thành viên, nhất là có hai cặp bố-con cùng tham gia, đã minh chứng cho sự nhiệt tình và tính hiệu quả của các đợt khám bệnh.

“Chúng tôi rất vui được góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng, những việc làm nhỏ bé của chúng tôi sẽ giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn với sức khỏe tốt hơn, góp phần tăng cường sự hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước”, bác sĩ Atwell nói.

Bài và ảnh: NGỌC HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai-quoc-phong/gop-phan-diu-bot-noi-dau-599013