Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân

Ở phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu), nghề trồng nấm sò đã được nhân dân duy trì hơn 10 năm nay. Từ nghề trồng nấm, các hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tranh thủ trời nắng ấm, các hộ dân ở bản Màng lại bắt tay vào công việc trồng nấm sò. Nghe bà con kể mới thấy nghề trồng nấm cũng lắm gian truân, vất vả do chủ yếu làm thủ công và qua nhiều công đoạn.
Gia đình anh Ú Văn Thủy ở bản Màng là một trong những hộ đầu tiên gắn bó với nghề trồng nấm. Xuất phát từ lần tình cờ xem người ở địa phương khác giới thiệu cách trồng nấm, anh bàn với gia đình trồng thử. Để thực hiện thành công, anh tìm hiểu thông tin, đặt mua phôi nấm sò tại cơ sở uy tín ở Hà Nội. Sau vài lần thất bại, anh Thủy cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm.
Anh Thủy chia sẻ: Quá trình trồng nấm tôi nhận thấy phải chủ động kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp. Những năm đầu, gia đình tôi trồng với số lượng ít, dần dần tăng lên từ 500 - 1.000 bịch nấm. Vụ nấm này, cũng đã phơi được 20 bao rơm khô dự kiến trồng 800 bịch nấm. Cùng với tự tìm tòi trên sách, báo, mạng internet, tôi được UBND phường tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn trồng nấm, nhờ đó biết cách chăm sóc nấm hiệu quả. Với giá từ 50-70 nghìn đồng/kg nấm thành phẩm, mỗi vụ gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng.

Người dân bản Màng (phường Quyết Thắng) đóng bầu nấm.

Người dân bản Màng (phường Quyết Thắng) đóng bầu nấm.

Thấy bà con trồng nấm sò thu hoạch đều đặn, năm nay gia đình anh Vàng Văn Hoài ở bản Séo Làn Than cũng trồng nấm. Ngay khi thu hoạch lúa, gia đình anh bảo quản rơm cẩn thận để có nguồn nguyên liệu đảm bảo. Anh Hoài tâm sự: Được chứng kiến bà con trồng nấm đã hơn 10 năm nay, nhưng khi bắt tay vào làm tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ. Do đó, tôi cũng đã đến các gia đình trồng nấm trước đó học hỏi kinh nghiệm; hiện gia đình đã phơi xong rơm, liên hệ với cơ sở cung cấp giống vận chuyển phôi nấm thực hiện trồng trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù thu nhập từ bán nấm chưa nhiều, chưa được như các gia đình mong đợi, hơn nữa trồng nấm sò phải trải qua nhiều bước như: phơi rơm, rửa sạch rơm bằng nước vôi để khử khuẩn, sau giai đoạn ủ sẽ đặt giống, đóng bịch, treo bịch phôi nấm. Cứ đến mùa thu hoạch lúa mùa thì nghề trồng nầm sò của bà con nơi đây lại nhộn nhịp hẳn lên. Sau khoảng 1 tháng thì bắt đầu rạch bịch, mỗi bịch rạch từ 6-9 mắt để nấm ra đều. Theo bà con, trồng nấm chi phí sản xuất thấp, không cần tủ cấy, chỉ cần phòng nuôi sạch sẽ, kín gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp và dùng nước sạch tưới hằng ngày. Các hộ thường trồng nấm muộn để có việc làm dịp cuối năm, khi công việc ngoài đồng ruộng đã gọn gàng, hơn nữa cũng tạo nguồn thu dịp tết Nguyên đán.
Được biết, thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn phối hợp với xã, phường trên địa bàn nắm bắt nhu cầu thị trường, mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như: pha chế đồ uống, kỹ thuật trồng mắc-ca, thêu dệt thổ cẩm, kinh doanh thương mại và dịch vụ, kỹ thuật trồng rau xanh an toàn, trồng nấm, nuôi gia súc, gia cầm. Sau các khóa học, học viên được trang bị kiến thức, nâng cao tay nghề. Theo kế hoạch năm 2024, thành phố đào tạo thêm 250 lao động nông thôn.
Ông Hảng A Vàng - Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng cho biết: Hiện trên địa bàn phường có khoảng 10 hộ trồng nấm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con trồng nấm hiệu quả, phường cũng tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con tham gia học các lớp đào tạo nghề, trong đó có kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm. Qua đây, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên việc sản xuất nấm vẫn ở quy mô nhỏ, chưa có sự liên kết. Thời gian tới, phường tiếp tục khuyến khích bà con triển khai nhân rộng, nhất là đối với những hộ có ít đất sản xuất.
Hy vọng với việc duy trì nghề trồng nấm, nông dân phường Quyết Thắng sẽ có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ngọc Bảo

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/g%C3%B3p-ph%E1%BA%A7n-n%C3%A2ng-cao-thu-nh%E1%BA%ADp-c%E1%BA%A3i-thi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-nh%C3%A2n-d%C3%A2n