Góp sức cho cuộc sống hồi sinh

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người dân Quảng Trị trước đây ly tán, nay trở về quê mang theo niềm vui của ngày đất nước hòa bình, không còn chiến tranh, chia cắt. Nhưng cuộc sống mới lại chứa đựng bao khó khăn, thử thách, trong đó có những tai nạn hết sức đau lòng do bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh gây ra, đã cướp đi sinh mạng và làm tàn tật nhiều người.

 Nhờ đẩy mạnh hoạt động rà phá bom mìn nên cuộc sống người dân ngày càng an toàn hơn. Ảnh: TTBMCC

Nhờ đẩy mạnh hoạt động rà phá bom mìn nên cuộc sống người dân ngày càng an toàn hơn. Ảnh: TTBMCC

Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị có 390.000 ha/479.413 ha đất bị ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn và vật liệu nổ, chiếm trên 83% tổng diện tích toàn tỉnh. Có thể nói không có địa phương, làng xóm nào không có dấu vết của bom đạn. Mỹ đã thả xuống mảnh đất nhỏ bé này 7,85 triệu tấn bom đạn trong giai đoạn 1965-1975. Trong đó có nhiều quả bom, mìn chưa nổ, còn nằm sâu dưới lòng đất. Từ năm 1975 đến cuối thập niên 1990 của thế kỉ trước, hằng ngày chúng ta thường nghe những tiếng nổ rất gần trên những cánh đồng, ở các đồi nương cỏ tranh khi người dân đi lao động cuốc phải bom mìn từ trong lòng đất. Rất nhiều người đã nằm xuống, bị cụt tay, cụt chân, thương tật suốt đời là cái giá phải trả quá đắt cho việc hồi sinh cuộc sống mới, cho từng tấc đất nảy mầm xanh tươi. Báo cáo của Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị cho thấy có 8.526 người bị thương vong, trong đó số người chết là 3.425; số người bị thương hơn 5.101, đó là con số rất lớn, tương đương với dân số của một xã. Ít có nơi nào mà nỗi đau tang tốc sau chiến tranh lại lớn như vậy…

Sau năm 1975 để giúp người dân các địa phương an tâm sản xuất, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai các hoạt động rà phá bom mìn, tổng diện tích đã rà phá 66.645.539 m2; 162.771 vật liệu nổ được tìm thấy. Song do diện tích bị ô nhiễm lớn nên các hoạt động này chưa đảm bảo cho người dân an tâm sản xuất. Phải đến khi có các tổ chức nước ngoài vào tham gia thì hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu nổ mới diễn ra trên quy mô lớn, mang lại những đổi thay tích cực. Có mặt sớm nhất ở Quảng Trị (năm 1996) trong sứ mệnh rà phá bom mìn, xử lí lưu động là tổ chức Cây Hòa bình của Mỹ, có thời điểm tổng số cán bộ, nhân viên của tổ chức này hoạt động ở Quảng Trị lên tới 120 người; đã thực hiện ra phá trên diện tích 5.794.632 m2; vật liệu nổ tìm thấy 84.304.

Tiếp đó năm 1998 có dự án SODI (CHLB Đức) lồng ghép rà phá bom mìn và tái định cư tại huyện Cam Lộ; đã thực hiện việc rà phá trên diện tích 13.373.192 m2; vật liệu nổ tìm thấy 88.143. Có mặt ở Quảng Trị và hoạt động với quy mô khá lớn từ năm 1999 đến nay là Dự án MAG ( một tổ chức nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh) với tổng số cán bộ, nhân viên lên tới 502 người, đã thực hiện việc rà phá trên diện tích 71.154.313m2; phát hiện, tìm thấy 136.958 vật liệu nổ. Dự án RENEW cũng tham gia rà phá bom mìn, bắt đầu thực hiện ở Quảng Trị vào năm 2008 với tổng số cán bộ, công nhân 234 người, tổng diện tích đã thực hiện rà phá 852.110 m2; vật liệu nổ tìm thấy 37.120. Ngoài ra còn có các tổ chức khác như APOPO, VBMAC…

Theo báo cáo tại hội thảo “Đánh giá kế hoạch hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020” được tổ chức ở Đông Hà ngày 14/6/2019, tổng số tiền đã huy động để thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn là 100 triệu USD, tổng số người tham gia ở các dự án, tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiệm vụ này gồm 586 người, đã thực hiện khảo sát bom chùm trên diện tích 342.650.000 m2; diện tích khẳng định bị ô nhiễm bom mìn 270.000.000m2; diện tích đất đã giải phóng 154.550.000m2; bom mìn vật liệu nổ được phá hủy 560.000. Nhờ đó đã mang lại cuộc sống bình yên cho nhiều người.

Nếu như trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2005, trung bình mỗi năm có 50 người chết vì bom mìn thì từ năm 2005 đến 2015 con số này giảm xuống còn 10 người mỗi năm. Và năm 2017 là năm đầu tiên không có trường hợp chết người vì tai nạn bom mìn. Đó là kết quả rất có ý nghĩa, giảm bớt những đau thương, mất mát đối với người dân. Có thể nói rà phá bom mìn ở Quảng Trị là hoạt động trên quy mô lớn với sự tham gia của nhiều tổ chức, dự án quốc tế; không chỉ rà phá mà còn tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ sinh kế cho người dân, nạn nhân bom mìn; trong đó đã góp phần xây dựng 15 trường học, 12 thư viện, tái định cư cho người dân ở 5 làng với tổng số 400 hộ. Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có Ban chỉ đạo và Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2016-2025 với tầm nhìn rõ ràng; tỉnh đầu tiên có năng lực xử lí bom mìn, vật liệu nổ lưu động 7 ngày trong tuần. Cũng nhờ đẩy mạnh các hoạt động rà phá bom mìn mà diện tích canh tác không ngừng được mở rộng. Đến năm 2018 sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đạt 28,9 vạn tấn, là sản lượng cao nhất từ trước đến nay.

Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016- 2020 nhằm triển khai chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025. Trong đó mục tiêu là tập trung huy động mọi nguồn lực của trung ương, địa phương và quốc tế để tổ chức có hiệu quả các hoạt động nhằm giảm thiểu diện tích ô nhiễm bom mìn, giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân và nạn nhân bom mìn, thực hiện tốt và hiệu quả các cam kết, thỏa thuận với các tổ chức quốc tế; hướng tới mô hình “tỉnh an toàn”, không còn nguy hiểm bom mìn, vật liệu nổ đối với người dân...

NB

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141683