Góp vào diện mạo đổi mới của điêu khắc Việt NamTin khácSẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10Người đi tìm hình của nước

Trong triển lãm chung với họa sĩ Đinh Phong diễn ra tại Art Space (42 Yết Kiêu, Hà Nội) những ngày cuối tháng 5, các tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhận được sự thán phục của giới mỹ thuật Việt Nam.Tác phẩm điêu khắc đồng của nhà điêu khắc Đào Châu Hải trưng bày trong triển lãm chung với họa sĩ Đinh Phong tại Art Space (21 đến 31-5-2022).

Như lời của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, Đào Châu Hải là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam sau thời kỳ đổi mới (từ năm 1990 đến nay).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân thì gọi đây là triển lãm của “tốc lực và toàn hảo”. “Tốc lực” dành cho “người mới”-họa sĩ Đinh Phong; “toàn hảo” dành cho “người cũ” Đào Châu Hải. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, những tác phẩm điêu khắc của Đào Châu Hải hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định, chẳng hạn như: Tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn; tượng đài Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo); triển lãm sắp đặt “Sóng biển Đông” trưng bày cùng họa sĩ Lý Trực Sơn… và ở triển lãm lần này thêm một lần khẳng định ở nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đá, những tác phẩm của nhà điêu khắc thể hiện nhiều khuynh hướng, từ hiện thực và biểu hiện thời kỳ đầu-chịu ảnh hưởng của điêu khắc Xô viết và Chủ nghĩa kiến tạo Nga-cho tới xu hướng trừu tượng hình học, rồi nghệ thuật ý niệm.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho biết, khoảng 10 năm nay, giới điêu khắc đã có sự nỗ lực để tìm cho được một vị trí trong dòng chảy chung của mỹ thuật đương đại, hay nói một cách khác, điêu khắc Việt Nam đã tự “đổi mới” từng ngày, đổi mới và sáng tạo trên những vấn đề căn bản: Cái nhìn thị giác, quan điểm thẩm mỹ, cấu trúc hình thể, không gian, chất liệu… Quan trọng hơn cả là bằng chính tác phẩm của mình, các nghệ sĩ điêu khắc trẻ đã có tiếng nói riêng và đang có một thế hệ đầy khát khao sáng tạo. Đây là một thế hệ quan trọng, rồi lịch sử sẽ chứng minh. “Cá nhân, tôi rất tự hào và hạnh phúc khi được song hành với thế hệ trẻ của điêu khắc Việt Nam đương đại trên con đường tự-đổi-mới”, nghệ sĩ bày tỏ.

Điêu khắc là cái không thể thiếu trong tiến trình phát triển văn hóa và văn minh nhân loại. Chính vì đặc điểm có tính định nghĩa cho một không gian sống nói chung của con người, rộng hơn là một cộng đồng dân cư, điêu khắc và kiến trúc luôn song hành với nhau, giúp cho cộng đồng có những nhận thức về không gian sống của xã hội và về chính bản thân con người mình sống/tồn tại trong không gian đó. Vì thế, khi bày tỏ thắc mắc, ở ta hiện nay đang có một thực trạng lạm phát tượng đài, tuy nhiên các tác phẩm điêu khắc công cộng thực sự lại hiếm. Nghệ sĩ thể hiện quan điểm, ở Việt Nam, thật là khó cho câu chuyện này khi mà về thực chất chúng ta chưa có kiến trúc và quy hoạch đô thị theo những chuẩn mực căn bản nhất.

Nhắc tới cái tên Đào Châu Hải, giới mỹ thuật cũng bày tỏ ngưỡng mộ bởi tác phẩm của ông từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế, như: Triển lãm điêu khắc “Châu Á-Thái Bình Dương” tại Singapore, với tác phẩm “Hình thể & Trừu tượng”; triển lãm sắp đặt tác phẩm mang tên “Tree man”-“Người cây” tại Portland, Maine, Hoa Kỳ, cùng nghệ sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Lâm.

Đào Châu Hải tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật quốc gia Moskva mang tên V.I.Surikov danh tiếng, ông từng trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật. Hiện nay, ông được xem là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại, thường xuyên truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ tại không gian sáng tác của mình trên một đồi cọ của vùng trung du Phú Thọ.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/503796-gop-vao-dien-mao-doi-moi-cua-dieu-khac-viet-nam.html