Grab có thể IPO với định giá 40 tỷ USD
Grab gần đây đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thông qua sáp nhập với Altimeter Growth của Altimeter Capital.
15 năm trước, Hooi Ling Tan là chuyên gia phân tích của hãng tư vấn McKinsey. Bà luôn sợ bắt taxi tại Kuala Lumpur sau mỗi đêm làm việc muộn nhưng không có nhiều lựa chọn. Thủ đô của Malaysia nổi tiếng với một trong các hệ thống taxi tệ nhất thế giới.
Nếu tự lái xe, bà cũng không có cảm giác an toàn vì e ngại có thể ngủ gật trên vô lăng. Vì vậy, bà tự tạo ra một hệ thống theo dõi GPS thủ công với mẹ của mình. Đó chính là mỗi khi lên xe, bà sẽ nhắn tin về cho mẹ, nêu thông tin chi tiết về biển số, tên tài xế, giấy phép hoạt động của taxi. Khi đến một tòa nhà nào đó, bà cũng nhắn về để mẹ biết cô sắp về đến nơi hay chưa.
"Mỗi đêm, mẹ đều ngủ trên ghế bành chờ tôi trở về", đồng sáng lập Grab chia sẻ. Sau này, Grab - startup gọi xe mà Hooi Ling Tan cùng sáng lập cùng Anthony Tan sẽ IPO với định giá gần 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, kế hoạch IPO của Grab không hề được trải hoa hồng, dù được coi là một startup mang tính toàn cầu. Không như các doanh nghiệp tại Mỹ hay Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á như Grab bị cho là vẫn đang thiếu những lựa chọn phù hợp để gọi vốn.
Trong bối cảnh đó, SPAC với những ưu điểm của mình được dự báo sẽ là một xu hướng mới của các doanh nghiệp. Cụ thể, Grab đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thông qua sáp nhập với Altimeter Growth của Altimeter Capital.
Theo thỏa thuận, Grab sẽ nhận được 4 tỷ USD đầu tư tư nhân vào vốn công cộng (PIPE). Các nhà đầu tư PIPE bao gồm: BlackRock, Fidelity, T. Rowe Price Group và Morgan Stanley. Ngoài ra, startup cũng có thêm 4,5 tỷ USD tiền mặt để đầu tư vào tăng trưởng người dùng và dịch vụ tương lai.
Sau khi lên sàn chứng khoán, Grab sẽ tiếp tục tập trung vào Đông Nam Á thay vì mở rộng tại Mỹ vì Hooi Ling Tan tin rằng họ mới chỉ chạm tới bề nổi của thị trường này.
SPAC là viết tắt của cụm Special Purpose Acquisition Company, tạm dịch là công ty thâu tóm, sáp nhập với mục đích đặc biệt.
SPAC là một công ty rỗng, không có hoạt động thương mại, được thành lập để niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động một lượng tiền mặt lớn từ một nhóm nhà đầu tư. Sau đó, SPAC sẽ dùng số tiền này để mua một startup có tiềm năng và đưa doanh nghiệp này lên sàn.
Được thành lập vào năm 2012, Grab Holdings Inc có trụ sở tại Singapore là một trong số những công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất Đông Nam Á, hoạt động tại 8 quốc gia và 398 thành phố trên thế giới.
Theo hãng PitchBook, Grab được định giá khoảng 15 tỷ USD sau vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 10/2019. Công ty này đang mở rộng dịch vụ từ gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn cho tới dịch vụ tài chính, và đang đẩy mạnh sang lĩnh vực bảo hiểm và cho vay tại khu vực gồm 650 triệu dân này.
Các thương vụ SPAC lớn gần đây khác phải kể đến như thương vụ sáp nhập trị giá 16 tỷ USD giữa UMW Holdings Corp với một SPAC do tỷ phú Alec Gores hậu thuẫn, và thỏa thuận trị giá 24 tỷ USD mà nhà sản xuất xe điện hạng sang Lucid Motors đã ký với SPAC do nhà tài phiệt Michael Klein điều hành.
Vụ IPO của Grab sẽ mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư quốc tế thâm nhập vào một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Điều này cũng mở ra một chương mới cho nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực.
Dấu mốc này cũng có thể giúp các "kỳ lân" khác (các start up được định giá từ 1 tỷ USD) của khu vực tiếp bước, giữa bối cảnh Đông Nam Á đang thách thức sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với các công ty kỹ thuật số ngày càng được công nhận rộng rãi. Theo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., tổng giá trị thương mại của nền kinh tế Internet khu vực này dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025, gấp ba lần so với mức tương ứng năm 2020. Nhưng cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư đều thiếu cách tiếp cận thị trường này.
Trước Grab, vụ IPO đáng chú ý duy nhất của một công ty công nghệ Đông Nam Á là SEA, công ty thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến có trụ sở tại Singapore và được niêm yết tại thị trường chứng khoán New York.
Giá cổ phiếu của SEA đã tăng gần gấp 5 lần trong năm 2020, cho thấy sự ham muốn rất lớn của các nhà đầu tư đối với các công ty công nghệ đang phát triển ở Đông Nam Á và phản ánh sự khan hiếm các khoản đầu tư thay thế.
Tại Indonesia, đối thủ của Grab là Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia đang thảo luận về việc sáp nhập và khả năng niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ và Indonesia.
Công ty dịch vụ du lịch trực tuyến của Indonesia là Traveloka cũng đang xem xét việc thực hiện IPO thông qua việc sáp nhập với SPAC giống Grab.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/grab-co-the-ipo-voi-dinh-gia-40-ty-usd-1618820658758.htm