Gửi lá chắn tên lửa THAAD tới Israel, Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến ở Trung Đông

Mỹ xác nhận sẽ gửi một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất của mình và khoảng 100 lính tới Israel, gia tăng can dự vào cuộc chiến leo thang ở Trung Đông.

Theo tờ The Washington Post ngày 13/10, sứ mệnh này đánh dấu lần Mỹ triển khai lực lượng binh sĩ lớn đầu tiên tới Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Mỹ điều lá chắn tên lửa này tới Israel trong bối cảnh dự báo Israel sắp tấn công trả đũa Iran.

Kế hoạch triển khai này cũng diễn ra chỉ ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà trong đó động thái can dự của Mỹ vào cuộc xung đột đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trên đường đua tranh cử.

“Củ cà rốt”

Theo ông Aaron David Miller, một chuyên gia về Trung Đông và từng cố vấn cho nhiều chính quyền của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ dự đoán cuộc tấn công của Israel sẽ toàn diện đến mức Iran sẽ phải phản ứng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được chuyển tới căn cứ không quân Nevatim, Israel ngày 1/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được chuyển tới căn cứ không quân Nevatim, Israel ngày 1/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Quốc phòng Israel, THAAD là một phần trong hơn 50.000 tấn vũ khí và thiết bị quân sự mà Mỹ đã gửi tới Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10/2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã cam kết sẽ trả đũa Iran tàn khốc để đáp trả cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào Israel ngày 1/10. Ông Gallant nói: “Cuộc tấn công của chúng tôi sẽ mạnh mẽ, chính xác và trên hết là bất ngờ. Họ sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào”.

Cuộc tấn công của Iran diễn ra sau vụ ám sát các quan chức cấp cao của Iran, Hamas và Hezbollah do Israel thực hiện, nhưngkhông gây thiệt hại đáng kể nhờ Mỹ và Israel nỗ lực bắn hạ các tên lửa.

Tuy nhiên, loạt tên lửa đã cho thấy rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi của Israel có thể bị quá tải, để lọt hàng chục tên lửa đánh trúng lãnh thổ Israel.

Ngày 13/10, một thiết bị bay không người lái của Hezbollah đã né được hệ thống phòng thủ khi tấn công một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gần thị trấn Binyamina ở miền Bắc Israel, khiến bốn binh sĩ Israel thiệt mạng.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Pat Ryder, cho biết: “Khẩu đội THAAD sẽ tăng cường hệ thống phòng không tích hợp của Israel. Hành động này nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ về việc bảo vệ Israel và bảo vệ người Mỹ ở Israel khỏi các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo tiếp theo của Iran”.

Cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump đều cam kết bảo vệ Israel một cách mạnh mẽ, đồng thời muốn kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Cuộc xung đột đã chia rẽ sâu sắc đảng Dân chủ, khi các cử tri trẻ và người Mỹ gốc Arab chỉ trích bà Harris vì không kêu gọi hạn chế viện trợ vũ khí cho Israel.

Mặt khác, đảng Cộng hòa đã không hài lòng với chính quyền của Tổng thống Biden vì đã chỉ trích chiến thuật quân sự của Israel sau vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023.

Bất chấp những bất đồng giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong suốt cuộc chiến kéo dài một năm, quyết định của Tổng thống Biden về triển khai hệ thống THAAD trước khi Israel tấn công Iran là một ví dụ khác cho thấy ông sẵn sàng tin tưởng ông Netanyahu. Ông Harrison Mann, từng là nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nhận định: “Một khi hệ thống này được triển khai và Israel được lực lượng phòng không Mỹ bảo vệ, liệu ông Netanyahu có giữ lời hứa và không tấn công các mục tiêu nhạy cảm của Iran mà ông hứa sẽ tránh?”.

Hệ thống THAAD được thiết kế đặc biệt để bắn hạ tên lửa đạn đạo. Hệ thống mặt đất này không có đầu đạn và không được sử dụng để tấn công các tòa nhà hoặc thực hiện các cuộc tấn công. Thay vào đó, hệ thống này chỉ chống tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm trung bình đang lao tới.

Triển khai THAAD là ví dụ mới nhất cho thấy Tổng thống Biden sử dụng “củ cà rốt” thay vì “cây gậy” để khuyến khích Israel giảm bớt mức độ hành vi.

Trước đó, ngày 11/10, chính quyền Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với ngành dầu mỏ của Iran, nhằm vào đội tàu chở dầu của Tehran. Mỹ hy vọng rằng hành động này sẽ khiến Israel không muốn tấn công các tài sản năng lượng của Iran. Nếu Israel vẫn làm như vậy, Iran có thể tấn công các cơ sở dầu mỏ thuộc sở hữu của các nước Arab của Mỹ.

Nguy cơ cho binh sĩ Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được chuyển tới căn cứ không quân Nevatim, Israel ngày 1/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được chuyển tới căn cứ không quân Nevatim, Israel ngày 1/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo chuyên gia Miller, đưa thêm quân Mỹ vào Israel giữa lúc một cuộc tấn công sắp xảy ra làm tăng nguy cơ thương vong cho binh sĩ Mỹ. Đây là một kịch bản có thể kéo Mỹ vào cuộc xung đột lớn hơn.

Ông Miller nói: “Nếu tên lửa của Iran đánh trúng một binh sĩ Mỹ hoặc các tay súng thân Iran ở Iraq hoặc Syria giết hoặc làm bị thương nhân sự Mỹ, xác suất cao là Mỹ sẽ thực hiện các hành động quân sự chống Iran”.

Đầu năm nay, quân đội Mỹ đã triển khai xây dựng một cảng biển tạm thời để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza, nhưng chính quyền Mỹ đã quyết định không đưa binh sĩ lên bộ do lo ngại về an toàn cho lực lượng Mỹ và lo ngại về việc bị kéo sâu vào cuộc xung đột.

Trong khi đó, chuyên gia Mann nói rằng rủi ro đối với các binh sĩ Mỹ vận hành hệ thống THAAD là rõ ràng. Ông phân tích: Những binh sĩ Mỹ sẽ hoạt động tại các căn cứ quân sự của Israel vào thời điểm mà Iran có thể trả đũa nếu bị tấn công. Trong thực tế, Iran đã cho thấy họ có khả năng và ý chí tấn công các căn cứ quân sự của Israel. Ông nói thêm: “Ngay cả khi chúng ta đưa ra giả định lạc quan một cách vô lý rằng hệ thống THAAD này có thể đánh bại tất cả các tên lửa đang lao tới, thì quân đội Israel không thể đảm bảo an toàn cho các binh sĩ Mỹ khỏi các thiết bị bay không người lái, vốn đã xâm nhập thành công vào các căn cứ của Israel trước đây”.

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm ít nhất sáu bệ phóng gắn trên xe, mỗi bệ mang tối đa tám tên lửa. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Ukraine, muốn có hệ thống này.

Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống này tới Trung Đông vào năm ngoái sau vụ Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 và vào năm 2019 để tham gia một sự kiện huấn luyện.

Israel có các hệ thống phòng thủ tên lửa khác, như Vòm Sắt, Arrow và David’s Sling.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/gui-la-chan-ten-lua-thaad-toi-israel-my-can-du-sau-hon-vao-cuoc-chien-o-trung-dong-20241014092658919.htm