Gương sáng người cao tuổi trong phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc'
Hòa giải, một công việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại vô cùng 'nhiêu khê', từ những mâu thuẫn nhỏ, những vụ việc va chạm, những bất đồng quan điểm… nếu không được giải quyết, xử lý kịp thời sẽ phát sinh thành những mâu thuẫn lớn, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại cơ sở.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, xây dựng các tổ, ban hòa giải từ khu phố, ấp nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết những mâu thuẫn, mất đoàn kết từ gia đình đến xã hội, xây dựng mối đoàn kết toàn dân, xây dựng khu dân cư văn hóa, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp.
Thời gian qua, người cao tuổi (NCT) có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, duy trì tình làng nghĩa xóm. Điển hình như ông Lê Văn Tới, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu. Ông từng làm chi hội trưởng chi hội NCT ấp, hiện nay là Chủ tịch Hội NCT xã Thanh Phước. Từ lâu, ông được người dân trong ấp tin tưởng và gọi ông với danh xưng thân mật là “ông hòa giải” hay “ông Bảy hòa giải”.
Trong suốt gần 20 năm qua, với sự nhiệt tình, uy tín của mình, ông đã tham gia hòa giải thành hơn 100 vụ việc lớn, nhỏ ở địa phương. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội khác, năm nay ông đã 70 tuổi- cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng với ông “còn sức khỏe là còn làm việc giúp cho mọi người, cho xã hội”. Ông luôn tự nhắc mình phải đặt trách nhiệm, sự gương mẫu, uy tín lên hàng đầu cho con cháu noi theo vì mình là NCT, là “cây cao, bóng cả”.
Theo ông, hòa giải là một việc làm vô cùng quan trọng bởi vì xuất phát từ những mâu thuẫn dù rất nhỏ nhưng nếu không kịp thời giải quyết thì nguy cơ phát sinh mâu thuẫn lớn, dẫn đến mất an ninh trật tự, thậm trí gây nhiều hệ lụy khác. Hòa giải còn góp phần to lớn trong xây dựng môi trường hạnh phúc trong gia đình, tạo sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng khu dân cư văn hóa.
Tuy nhiên muốn hòa giải thành công, thì bản thân những người tham gia hòa giải phải nghĩ tốt, nói thật, làm thật và sống tốt. Từ sự mộc mạc, chân chất đó mà bao lâu nay hễ cứ có những vụ việc mâu thuẫn từ trong gia đình của các hộ dân cho đến trong xóm, ấp là ông có mặt, lúc thì ông đi cùng với tổ hòa giải ấp nhưng cũng nhiều lần ông được chính những người đang có mâu thuẫn tìm đến nhờ ông phân tích, hóa giải.
Tính ra có khoảng 70%-80% vụ việc ông hòa giải thành công. Như vụ việc tranh chấp ranh đất giữa gia đình ông P.V.T và gia đình bà N.T.T, chỉ có cái hàng rào không thẳng mà hai gia đình có sự mâu thuẫn, gần nhau nhưng không nhìn mặt nhau, tình trạng kéo dài mấy năm không ai chịu nhường ai cả.
Nhận thấy tình hình có thể sẽ phức tạp hơn nếu không được giải quyết sớm, ông đã bàn với tổ hòa giải và lên kế hoạch. Bước đầu ông và tổ hòa giải đến gia đình của từng người, bằng lý lẽ, bằng tình cảm chân thành, ông phân tích những cái được, cái mất, những thiệt, hơn trong mâu thuẫn giữa hai gia đình, thấu tình đạt lý, cả hai bên đã nhận ra đây là mâu thuẫn không đáng có, từ đó họ bắt tay nhau cùng giăng dây rào lại thành hàng rào thẳng tắp, không chỉ mang lại niềm vui cho hai gia đình, mà còn để lại mối thân tình cho con cháu sau này, tạo sự đoàn kết trong khu dân cư.
Cũng có những vụ việc tuổi trẻ nông nổi, mới cưới nhau hơn một năm nhưng do mâu thuẫn họ chia tay, biết tin ông đến, sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc, ông phân tích, chỉ rõ những cái đúng, cái sai của cả hai vợ chồng, đặc biệt, ông phân tích sâu sắc về lương tâm, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ khi chia tay sẽ để lại hậu quả cho con, đứa trẻ không có lỗi mà phải gánh chịu sự thiếu thốn tình thương, ở với cha thì thiếu mẹ, theo mẹ thì không có cha, chưa kể những hệ lụy sau này khi đứa trẻ lớn lên mà không có sự dạy dỗ đủ đầy của cha mẹ… kết quả hai vợ chồng hàn gắn và sống với nhau khá hạnh phúc.
Ông cho biết, cứ vào ngày 6.6 hằng năm- Ngày Người cao tuổi Việt Nam, có một số gia đình, có một số cháu từng được ông “hóa giải” mâu thuẫn, nay gia đình hạnh phúc luôn biết ơn và tìm đến thăm, chúc sức khỏe ông. Ông nói đó là nguồn động viên to lớn, giúp ông có thêm nghị lực và tâm huyết trong công tác hòa giải, góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm, xây dựng mô hình khu dân cư văn hóa, xóm ấp bình yên, bảo đảm an ninh trật tự.
Ông Bùi Hữu Đức- Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phước cho biết: “Ông Lê Văn Tới- Chủ tịch Hội NCT xã không chỉ giỏi trong công tác hòa giải, ông là người khá nổi tiếng về công tác Hội, công tác vận động từ thiện xã hội, hiện nay ông vẫn đang miệt mài mỗi tháng 4 lượt đưa NCT có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh để mổ mắt miễn phí và thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện khác.
Ông thật sự là người có uy tín cao trong ấp và trong xã, được nhiều người yêu mến, kể cả trong huyện và trong tỉnh. Tiếng nói của ông rất có “trọng lượng”, ông đã trở thành một biểu tượng, một tấm gương sáng NCT, Đảng ủy luôn ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của ông”.