Gương sáng về khuyến học, khuyến tài

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về 'Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020', từ năm 2016 đến nay, các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng trên địa bàn tỉnh ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài.

Viết tiếp ước mơ cho học sinh, sinh viên nghèo

Năm nay đã bước vào tuổi 67, nhưng bà Nguyễn Thị Lộc, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa vẫn luôn tận tâm với công tác khuyến học, khuyến tài.

 Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Lộc trao thưởng cho học sinh xã A Dơi - Ảnh: NVCC

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Lộc trao thưởng cho học sinh xã A Dơi - Ảnh: NVCC

Gần 11 năm (từ năm 2011 đến nay) gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài ở Hướng Hóa, bà Lộc cùng Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa không ngừng lan tỏa rộng khắp, đưa chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương phát triển.

Đến nay, huyện Hướng Hóa có 330 tổ chức hội với 33.599 hội viên (đạt 36,13% so với dân số toàn huyện); có 14.461 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”; 55 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 139 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở; 101 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”; 21/21 xã, thị trấn đăng ký “Cộng đồng học tập” cấp xã (đạt 100%)…

Từ phong trào xây dựng các mô hình học tập với nội dung, tiêu chí cụ thể đã có tác động mạnh mẽ đến việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Chính tâm nguyện giúp các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo đuổi con đường học vấn, bà Lộc đã nỗ lực vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu dài hạn các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Để làm gương, bà Lộc đã nhận đỡ đầu dài hạn 5 em học sinh, sinh viên. “Các em học sinh, sinh viên mà tôi nhận đỡ đầu đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Như em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở Khóm 2 (thị trấn Khe Sanh) có bố bị tâm thần, mẹ đau ốm thường xuyên; em Phạm Thị Mỹ Yến ở xã Tân Liên có mẹ tàn tật, bố đã mất; em Phan Xuân Sang ở xã Tân Liên là gia đình hộ nghèo, mẹ đau tim, bố thường xuyên đau ốm…

Đến nay, các em Hạnh, Yến, Sang đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Và em Nguyễn Thị Phương Nhi ở xã Tân Liên, có bố bị tàn tật, mẹ hay đau ốm, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Vừa rồi, em Nhi được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2022; em Nguyễn Thị Mỹ Dung ở xã Tân Liên, có bố mẹ ly hôn, kinh tế khó khăn. Hiện em Dung đang học lớp 12. Đến bây giờ, dù tuổi già sức yếu, nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để giúp đỡ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, bà Lộc chia sẻ.

Cách làm hay của “Dòng họ học tập” tiêu biểu

Thầy giáo Hoàng Văn Hậu, Phó Ban Khuyến học dòng họ Hoàng ở làng Nại Cửu (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) cho biết: “Dòng họ Hoàng ở làng Nại Cửu có 125 hộ, gần 700 nhân khẩu. Phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, con cháu dòng họ Hoàng dù ở đâu trên mọi miền đất nước đều ra sức phấn đấu học tập, công tác, làm việc cống hiến cho quê hương, đất nước”.

 Ban Khuyến học dòng họ Hoàng ở làng Nại Cửu phát thưởng cho học sinh, sinh viên học giỏi - Ảnh: NVCC

Ban Khuyến học dòng họ Hoàng ở làng Nại Cửu phát thưởng cho học sinh, sinh viên học giỏi - Ảnh: NVCC

Ban Khuyến học dòng họ Hoàng ở làng Nại Cửu được thành lập năm 2002 với mục tiêu đặt ra là động viên con em trong họ đi học đúng độ tuổi và phấn đấu học giỏi, chăm ngoan; khuyến khích các gia đình trong dòng họ phát huy tinh thần học liên tục, học suốt đời bằng nhiều hình thức; đoàn kết để xây dựng gia đình văn hóa, “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập”…

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Ban Khuyến học dòng họ Hoàng đã thường xuyên tuyên truyền gương học tập của các bậc tiền nhân cho con em trong dòng họ; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời; chú trọng việc chăm lo sự học cũng như động viên con em trong dòng họ rèn luyện đạo đức tốt, phấn đấu học giỏi…

Ban Khuyến học dòng họ Hoàng cũng đã chú trọng xây dựng quỹ khuyến học với nguồn quỹ có số dư gần 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ khuyến học, năm 2002 đến nay Ban Khuyến học dòng họ Hoàng đã tổ chức 19 lần phát thưởng cho 862 lượt học sinh, sinh viên học giỏi từ bậc tiểu học cho đến sau đại học; 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, những học sinh, sinh viên đoạt giải cao trong các kỳ thi ở cấp tỉnh, cấp quốc gia hoặc hoàn thành chương trình học thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được ghi danh vào bảng vàng hiếu học của dòng họ. Đến nay, dòng họ Hoàng có 4 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 105 cử nhân… hiện đang công tác trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều gia đình trong họ là gia đình điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài…

Truyền “lửa” khuyến học, khuyến tài

Hơn 6 năm (từ năm 2016 đến nay) gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài, ông Trần Ngọc Huyền (sinh năm 1955), Phó Chủ tịch Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng đã góp phần cùng với Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng đưa xã Hải Hưng trở thành một trong những địa phương điển hình của huyện Hải Lăng trong việc đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT).

 Phó Chủ tịch Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng Trần Ngọc Huyền trao thưởng cho các em học sinh xã Hải Hưng - Ảnh: NVCC

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng Trần Ngọc Huyền trao thưởng cho các em học sinh xã Hải Hưng - Ảnh: NVCC

Ông Trần Ngọc Huyền nhớ lại, trước năm 2015 phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng) chưa có gì nổi bật. Điều này làm cho ông Huyền rất trăn trở. Năm 2016, khi nghỉ hưu, ông Huyền được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học-Cựu giáo chứcxã Hải Xuân.

Việc đầu tiên mà ông Huyền làm là cùng với BCH Hội Khuyến học -Cựu giáo chức xã Hải Xuân tích cực đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân về công tác khuyến học, khuyến tài; tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để gây quỹ khuyến học. Chính sự tích cực đó đã dần thuyết phục được cán bộ, hội viên và người dân trong xã tích cực tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT…

Đến ngày 1/3/2020, xã Hải Hưng được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hải Vĩnh và Hải Xuân, ông Huyền được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng.

Từ năm 2016 đến nay, ông Huyền đã cùng với Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Xuân (cũ) và hiện tại là Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng vượt qua những khó khăn để tích cực đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn ngày càng phát triển.

Đến nay, Hội Khuyến học - Cựu giáo chức xã Hải Hưng đã thu hút sự tham gia của 3.094 hội viên (chiếm hơn 40% dân số xã). Xã Hải Hưng có 2.111 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 26 dòng họ đạt “Dòng họ học tập”; 6 cộng đồng đạt “Cộng đồng học tập”; 5 đơn vị đạt “Đơn vị học tập”…

Những năm qua, ông Trần Ngọc Huyền vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện Hải Lăng, Hội Khuyến học - Cựu giáo chức huyện Hải Lăng vì đã có nhiều đóng góp trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=172169&title=guong-sang-ve-khuyen-hoc-khuyen-tai-