HÀ GIANG: CẦN NÂNG CAO NGUỒN NHÂN LỰC SỐ CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Kim Anh làm trưởng đoàn vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số tại tỉnh Hà Giang.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang khẳng định, tỉnh Hà Giang xác định 3 trụ cột chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025, do đó, đã bố trí trên 290 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn đầu tư công và nguồn sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính hàng năm. Không chỉ duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối 100% cơ quan hành chính thông suốt với Trung tâm dữ liệu của tỉnh; hoạt động hiệu quả các hệ thống thư điện tử công vụ với 20.000 tài khoản, trên 28.000 chứng thư số và 241 điểm cầu trực tuyến; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc duy trì hiệu quả, liên thông 3 cấp, tỷ lệ văn bản ký số gửi nhận đạt khoảng 98% mà tỉnh Hà Giang còn đẩy mạnh phát triển hoạt động của Sàn thương mại điện tử; thành lập Tổ điều phối và Nhóm hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử, chủ động ký kết với tập đoàn FPT, VNPT và Tập đoàn Viettel trong thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, việc phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số tại Hà Giang con gặp nhiều khó khăn khi tính đến hết 31 tháng 12 năm 2022, toàn tỉnh còn 53 thôn trắng sóng, trong đó 20 thôn chưa có điện. Tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao internet là 37,3%. Tỷ lệ dân số có điện thoại đạt khoảng 63,2%.

Báo cáo của tỉnh Hà Giang cũng thể hiện rõ, việc xuất phát điểm thấp, nguồn lực, nhân lực về công nghệ thông tin còn yếu và thiếu dẫn đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn. Do đó, Đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách đặc thù nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống Chính trị. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chính sách phù hợp để các Tập đoàn Viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người dẫn có điện thoại thông minh để tiếp cận công nghệ số.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng nhanh của Hà Giang trong trong thang bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia thời gian qua? Đại biểu đề nghị tỉnh cần tính toán về chính sách thu hút nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, việc xếp hạng chuyển đổi số là chỉ một trong những thang đánh giá, điều quan trọng nhất là tác động của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang thời gian qua. Ông Tiến đề nghị, Tỉnh Hà Giang chỉ rõ những vấn đề vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình triển khai chuyển đổi số bởi hiện tại, chính sách đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên các chính sách này lại chưa được quy phạm hóa.

Giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho rằng, nguyên nhân tụt hạng là do chưa đủ nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ, lại rất lúng túng trong việc giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Đại diện Sở Tài chính cho biết, hiện tại chưa có những đánh giá cụ thể về tính ưu việt của Chuyển đổi số đối với địa phương,; chưa có căn cứ pháp lý về chi ngân sách cho công nghệ thông tin, cho chính sách ưu đãi cho nhân lực trong ngành công nghệ thông tin.

Đại diện Sở Nội vụ cho biết thêm, đề xuất chấm điểm chỉ số DTI của Hà Giang năm 2023 bị tụt 24 bậc, nhưng số liệu bản chất của Hà Giang trên thực tế là không tụt, đồng thời đề nghị cần tính đến đặc thù, phân vùng, phân nhóm của các địa phương, không thể cào bằng giữa Quảng Ninh với các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lai Châu để tính toán thang điểm chung.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng, những khó khăn vướng mắc không chỉ Hà Giang mà nhiều địa phương đang gặp phải là quy trình chuyển đổi số, kinh phí, nhân lực… Đại biểu đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về Chuyển đổi số, các bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, có kế hoạch tổng thể để cho phép tích hợp dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu từ các địa phương. Đối với kế hoạch sử dụng Quỹ viễn thông công ích, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có lộ trình cụ thể và phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai hiệu quả.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại buổi làm việc

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại buổi làm việc

Đồng quan điểm, Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, hiện Chuyển đổi số ở các địa phương còn tự phát, cát cứ, theo tình trạng “trăm hoa đua nở”… điều này dẫn đến những vướng mắc trong việc kết nối, liên thông về dữ liệu. Do đó, đề nghị cần phải có sự chuẩn hóa từ trung ương đến địa phương, nhất là việc xây dựng các phần mềm để tránh lãng phí. Ông Hoàng Gia Long cho biết về nguyên nhân tụt hạng là xuất phát từ tiêu chí chấm điểm, hiện nay các tiêu chí này còn cứng nhắc, hình thức, chưa đi sát vào nội dung triển khai thực tế. Hà Giang cũng gặp khó khăn khi kinh phí cho chuyển đổi số khó hoặc chưa đưa giải ngân được, trong khi đó, tỉnh có trên 50% là hộ nghèo, hộ cận nghèo, một bộ phận không nhỏ người dân không biết chữ, hầu hết cán bộ hộ tịch tư pháp phải hỗ trợ cho người dân.

Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc

Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc

Ghi nhận các ý kiến, Trưởng đoàn Giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả, ngoài sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương thì các doanh nghiệp là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị, thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Quan tâm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Với các đề xuất kiến nghị của tỉnh Hà Giang sẽ được đoàn tiếp thu chuyển tới Chính phủ và các bộ, ngành TW.

Trước đó, Đoàn giám sát chuyên đề đã làm việc, nắm bắt kiến nghị của 3 đơn vị thực hiện công tác chuyển đổi số là Đại lý Thaco, Chi nhánh Viettel và Viễn thông Hà Giang. Dù 3 đơn vị đã tích cực, quyết liệt, sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số tại địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng khá, đóng góp vào ngân sách của tỉnh và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động nhưng do điều kiện là tỉnh miền núi biên giới, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn như: Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo cao, lại không biết tiếng phổ thông, chưa có điện thoại di động nên việc cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số gặp khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị về công nghệ thông tin còn thiếu, lạc hậu. Thiếu một số quy định, cơ chế cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm thuê dịch vụ công nghệ thông tin, dẫn đến một số cơ quan khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp công nghệ./.

Bích Hạnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82267