Hà Myo: 'Chỉ vì tiếc xẩm mà liều một phen'
Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà Myo) được biết đến là ca sĩ đưa nghệ thuật hát xẩm đầy sắc điệu và mới mẻ trên sân khấu hiện đại. Nhưng cô gái Mường này hoàn toàn không phải là một ca nương nhí hấp thu những điệu xẩm từ nhỏ. Quê hương Vân Hòa, Ba Vì, ngoại thành Hà Nội của Hà cũng không phải là cái nôi của xẩm. Gần 10 năm gắn bó với nhạc trẻ, thỉnh thoảng, Hà nghe đâu đó những điệu xẩm, nhưng là thoáng qua…
Tình cờ rẽ lối
Năm 2019, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nơi Hà đang công tác có tổ chức lớp tập huấn cho các nghệ sĩ trẻ tiếp cận với âm nhạc truyền thống. Được học và tìm hiểu sâu hơn về ca trù, quan họ, chèo, nhất là xẩm, Hà bị cuốn hút. Càng tìm hiểu, Hà càng cảm thấy tiếc khi xẩm không có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả trẻ. Nhưng những suy nghĩ đó vẫn chỉ là những cảm nhận đơn thuần, chưa có cơn cớ thúc đẩy Hà làm điều gì đó cho xẩm.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi cô tham gia Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2020. Là ca sĩ có sở trường phong cách nhạc nhẹ, Hà đã thể hiện bài “Tứ phủ” - một bài hát nhạc trẻ mang âm hưởng dân gian đương đại. Không ngờ, khi được vào vòng chung kết, ban tổ chức lại xếp Hà sang dòng nhạc dân gian. Bất ngờ rẽ sang dòng nhạc “lạ” khi chỉ còn cách ngày thi chung kết năm ngày, Hà bắt tay vào chọn bài với tâm thế lo lắng cực độ. Khi dốc sức vào tìm hiểu các ca khúc dân gian, Hà bất chợt nhớ tới xẩm, nhớ lại những điều đã được học, những điệu xẩm đã từng nghe. Và Hà quyết định đưa xẩm lên sân khấu.
“Khi bắt đầu hát những câu xẩm, cũng là lúc tôi nhận ra chất dân gian trong mình. Vô tình, tôi nghe thấy những giai điệu sôi động của nhạc điện tử. Ngay lúc đó, có một sự kết hợp thử nghiệm đầy phá cách giữa xẩm dân gian, rap và nhạc điện tử (EDM). Chỉ là phá cách thôi, còn có hiệu quả không, thì tôi hoàn toàn không dám nói trước”, cô chia sẻ.
Ca sĩ Hà Myo trong một tạo hình bắt mắt khi trình diễn trên sân khấu.
Thời điểm thi chung kết đã sát nút, Hà tìm gặp nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long để “nhờ cậy”. Ủng hộ sự kết hợp “liều lĩnh” của Hà, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long gấp rút biên soạn lại lời bài “Xẩm chợ Đồng Xuân” cho cô đọng, phù hợp hơn và đặt tên “Xẩm Hà Nội”. Hà quyết tâm nhưng cũng đầy trăn trở, bởi trước đó cô chưa bao giờ thử sức với xẩm. Và liệu rằng, sự kết hợp chưa từng có này có làm méo mó nội dung, cấu trúc âm nhạc cùng lề lối, làn điệu của xẩm, liệu có giúp xẩm tìm được chỗ đứng trên sân khấu hiện đại hay không?
Sát ngày thi, bài xẩm của Hà lại gặp “trúc trắc trục trặc” khi ban tổ chức quy định thí sinh chỉ được hát với ban nhạc. Vậy là bản phối nhạc điện tử trước đó phải hủy bỏ. Lo lắng khi thời gian tập với ban nhạc quá gấp đối với một bài phối phức tạp, Hà phát khóc và định bỏ thi. Nhưng rồi cô lấy lại được tinh thần, tập trung tập lại từ đầu với cùng ban nhạc. Hà nỗ lực thể hiện “Xẩm Hà Nội” một cách tốt nhất và đoạt giải Nhì cuộc thi, giải Bài hát về Hà Nội hay nhất. Bước đầu thành công khi mang xẩm lên sân khấu một cách ấn tượng, Hà bớt những băn khoăn về con đường đến với xẩm.
Điệu xẩm buồn có vận vào đời?
Sau giải thưởng, Hà đầu tư thời gian, công sức quay MV “Xẩm Hà Nội”. Sản phẩm âm nhạc đầu tay về xẩm của cô được khán giả chào đón, đặc biệt là khán giả trẻ. Đó là động lực lớn để Hà quyết tâm cày xới để tạo cho mình một phong cách hát xẩm mới. Hà nhận ra rằng đường đến với xẩm không có sẵn, mà phải tự dò dẫm tìm tòi bằng sự nỗ lực và những thử nghiệm mang tính mở đường. Việc kết hợp xẩm, rap và nhạc điện tử EDM là “sự liều” mang tính quyết định để dò xem cuộc se duyên đó thực chất đúng hay sai, có bị kệch cỡm không, có ra được chất xẩm không.
Để khán giả trẻ dành tình yêu và sự quan tâm cho xẩm, người nghệ sĩ phải làm mới, phải phả vào xẩm hơi thở của thời đại, mà đầu tiên phải là ca từ mới. Nếu như “Xẩm xuân chúc phúc” là lời chúc đầu năm an khang - thịnh vượng, về tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa thì “Xẩm xuân xanh” điểm lại những khó khăn từ dịch bệnh COVID-19, thiên tai mà đất nước ta đã và đang phải trải qua. “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” lại là bức tranh Hà Nội hiện đại, duyên dáng.
Những bài xẩm Hà thể hiện đã khai thác tối đa làn điệu xẩm cổ để tạo nên “hương vị” mới. Như ở “Xẩm xuân chúc phúc”, điệu trống quân vừa có nét quen lại vừa lạ lẫm, thu hút. Khi xưa, xẩm thường vang lên những giai điệu buồn thương, ai oán giữa đường, giữa chợ - những không gian xô bồ của đời thường. Môi trường diễn xướng của xẩm vì thế không phải là sân khấu sang trọng với ánh đèn, áo váy lung linh. Người ta nghe xẩm mà rủ lòng thương xót những người hát xẩm – thường là người nghèo lấy tiếng hát mưu sinh. Sau này, các nghệ sĩ hiện đại dù trình diễn xẩm trên sân khấu lớn vẫn giữ lại sự dân dã, mộc mạc của xẩm. Vẫn là lối trình diễn tĩnh tại, miệng hát, tay kéo đàn nhị hoặc gõ sênh, chân đánh phách.
Rất táo bạo, Hà rời vị trí tĩnh tại bao lâu nay khi hát xẩm để kết hợp với vũ đạo trên sân khấu. “Có thể trước đó mọi người sẽ không định hình được nghệ sĩ trẻ lên sân khấu hát xẩm sẽ như thế nào. Bởi thế ngay cả vẻ bề ngoài khi hát xẩm với tôi cũng là sự thể nghiệm mới mẻ”, Hà chia sẻ. Với mỗi bài xẩm, Hà dày công lên ý tưởng thiết kế trang phục. Bởi Hà hiểu, khán giả không chỉ nghe bằng tai mà còn nhìn bằng mắt. Vả lại, trong thời đại Internet lên ngôi, họ có quá nhiều thứ để xem, buộc Hà phải tìm ra chất riêng. Bởi vậy, cô đầu tư kĩ càng, chỉn chu, nghiêm túc để có được những bộ trang phục bắt mắt và ra màu của xẩm. Khi hát “Xẩm Hà Nội”, Hà thiết kế trang phục có chút huyền bí, độc lạ nhưng vẫn mang phong cách trẻ trung. “Xẩm xuân chúc phúc” như là lời chúc đầu năm, nên cô lựa chọn áo dài cách tân có màu sắc rực rỡ, tươi mới và đầy nữ tính. Với lối trang điểm ấn tượng, sắc sảo cùng phong cách biểu diễn linh hoạt, biến ảo trên sân khấu khiến xẩm trở nên “động” hơn. Vẻ say, vẻ phiêu của Hà trên sân khấu vẫn ra “chất xẩm”, vẫn mang “hồn của xẩm”, mặc dù hoàn toàn khác với lối hát chừng mực, tiết chế của xẩm xưa.
Chỉ khi các MV “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm xuân chúc phúc”,… được đón nhận, Hà nhận ra vẫn còn không ít người quan tâm đến các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có xẩm. Không ít bạn trẻ chia sẻ rằng họ thích nghe xẩm, thích hát xẩm nhưng sợ bị cho là không giống ai, không bắt trend, không thời thượng nên đành bỏ qua xẩm. Nhưng giờ đây, họ sẵn sàng nghe Hà hát xẩm, thậm chí hát và biểu diễn theo Hà. Thêm một người chú ý đến xẩm, là thêm một cơ hội để xẩm được bảo tồn.
Hà Myo và “anh xã” – nhà sản xuất âm nhạc Ngô Thế Phương.
Không giấu giếm, Hà bộc bạch rằng công cuộc cháy hết mình với xẩm quả thực không hề đơn giản khi cần nguồn kinh phí đầu tư về mọi mặt. Tuy vậy, Hà vẫn xác định hướng đi dài hơi phía trước cần sự đóng góp nghiêm túc về thời gian, công sức. Hà may mắn khi nhận được sự đồng hành, cổ vũ hết mình từ “anh xã” - nhà sản xuất âm nhạc Ngô Thế Phương. Vì thế, mỗi khi một ý tưởng về xẩm lóe lên, lập tức có sự chia sẻ và thử nghiệm ngay. Không ai dám chắc những ý tưởng đó có đi đến thành công hay không, nhưng nếu không thử thì không bao giờ đến đích. Phải trải qua 38 lần chỉnh sửa, Hà mới có một MV “Xẩm Hà Nội” ra mắt công chúng và gây sốt một quãng thời sau đó.
Hà thừa nhận mình là người say nghề và nhiều ý tưởng, đôi khi liều lĩnh, lao vào hết mình mà không có thời gian lưỡng lự, tính toán. Động lực giúp Hà kiên định với xẩm đôi khi chỉ là một câu bình luận của khán giả, rằng “nhờ có bài xẩm của chị mà em thấy thích xẩm hơn”, rằng “chỉ vì nghe “Xẩm Xuân chúc phúc” mà thấy nhớ nhà, nhớ quê da diết”… Hỏi rằng, có khi nào Hà nghĩ điệu xẩm buồn sẽ vận vào cuộc đời người hát? Hà bảo chưa bao giờ nghĩ thế, bởi Hà đến với xẩm với một tâm thế tích cực, muốn phô hết những nét duyên dáng, nét đời của xẩm để khán giả nghe và giữ gìn. Xẩm đâu chỉ có buồn, xẩm còn mang nét châm biếm, hài hước, là tiếng nói đấu tranh, xẩm mang hết cả buồn vui của cuộc đời. Nỗ lực đưa xẩm đến với công chúng, nhưng mục tiêu của Hà không phải để trở thành một danh ca hát xẩm. Hà ấp ủ nhiều kế hoạch với các loại hình nghệ thuật dân gian khác mà trước mắt là trình diễn dân ca của dân tộc Mường quê hương cô.