Hà Nam tăng cường quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ở địa bàn
Những năm qua, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi trên địa bàn dân cư luôn được tỉnh Hà Nam thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Những việc làm trên đã giúp cho những người một thời lầm lỗi có nghị lực phấn đấu vươn lên trên con đường tìm về với nẻo sáng của cuộc đời, được cộng đồng xã hội ghi nhận.
Từ năm 2014 đến 2019, tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ hơn 7.500 người lầm lỗi, trong đó có hơn 3.000 người chấp hành xong án phạt tù, hơn 2.000 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và hơn 1.000 người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đa số người lầm lỗi là nam giới đang trong độ tuổi lao động, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa và nhận thức về pháp luật, xã hội còn thấp, không có nghề nghiệp. Đây là những khó khăn, thách thức lớn cho công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người một thời lầm lỗi ở địa bàn dân cư. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cũng như những khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ở địa bàn dân cư, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, sáng tạo nhằm huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình, xã hội. Trong đó tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Các trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều được cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp nhận, phân công các đoàn thể, cá nhân quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ở địa bàn dân cư, trợ giúp tâm lý, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý; đồng thời quản lý, giám sát, ngăn chặn, không để đối tượng xấu tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lầm lỗi tái phạm tội, vi phạm pháp luật.
Thông qua công tác tổ chức tiếp nhận, giúp chính quyền địa phương, các ngành chức năng nắm bắt được điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của từng người để chủ động áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ cho đối tượng xóa đi được mặc cảm của bản thân, thuận lợi trong quá trình tái hòa nhập với cộng đồng. Trong 5 năm (2014-2019), tỉnh Hà Nam đã làm thủ tục tiếp nhận 4.118 trường hợp có án phạt tù, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc về địa phương. Kịp thời phát hiện 71 trường hợp bỏ địa phương đi nơi khác, thông báo cho các địa phương có đối tượng đến cư trú để quản lý, giáo dục.
Chính quyền các cấp trong tỉnh Hà Nam đã chủ động phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể, phân công cán bộ, những người có uy tín, có điều kiện, nhiệt tình thường xuyên phối hợp với gia đình để trực tiếp gặp gỡ, có các biện pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp với từng trường hợp. Trên cơ sở đó, giúp đỡ người lầm lỗi tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, giúp họ yên tâm phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay đã có hơn 7.500 trường hợp người lầm lỗi được các ngành, đoàn thể và nhân dân giúp đỡ. 100% gia đình người lầm lỗi đã đứng ra tự đảm nhận trách nhiệm quản lý giáo dục con em mình.
Trong số những người lầm lỗi khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, phần lớn bản thân họ và gia đình gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập. Trước thực tế đó, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội, các doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc trong các doanh nghiệp để ổn định cuộc sống.
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị này đã tổ chức thực hiện tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng hoàn thành chấp hành án phạt tù về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tìm việc làm cho các đối tượng sau khi được học nghề. Từ năm 2014 đến nay, các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm trong tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 321 người lầm lỗi, đã giới thiệu cho 307 trong số 321 người tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tiếp nhận, tạo việc làm ổn định cho 1.053 trường hợp người có một thời lầm lỗi.
Cùng với đó, các Ngân hàng Chính sách, tổ chức tín dụng xã hội trên địa bàn đã cho 1.217 hộ gia đình có người lầm lỗi vay 3 tỷ 250 triệu đồng tiền vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tiêu biểu như Công ty Khai thác đá Vĩnh Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng đã tiếp nhận ba trường hợp người chấp hành xong án phạt tù và thân nhân gia đình họ vào làm việc tại công ty. Nhờ được sự quan tâm giáo dục, giúp đỡ, cho vay vốn phát triển sản xuất, đã có nhiều người một thời lầm lỗi trở về tích cực lao động sản xuất, vượt khó vươn lên. Đến nay, toàn tỉnh có hơn hai nghìn trường hợp người lầm lỗi tiến bộ rõ rệt, trong đó có hơn 500 trường hợp tiến bộ tiêu biểu.
Là một trong những người lầm lỗi còn trẻ tuổi sau khi trở về địa phương, anh Lê Tiến Sỹ, ở thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội. Anh Sỹ chia sẻ, năm 2016, sau khi trở về địa phương, anh cũng có chút mặc cảm tự ti, sợ anh em, bạn bè xa lánh. Nhưng được sự giúp đỡ, anh dần hòa đồng, mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn. Bây giờ anh đã có cuộc sống gia đình ổn định, gia đình có hai đứa con ngoan. Thu nhập hằng năm của gia đình từ 150 đến 200 triệu đồng.
Thời gian qua, cấp ủy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có những cách làm sáng tạo, chung tay động viên, giúp đỡ những người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng, phấn đấu trở thành công dân lương thiện, góp phần tích cực vào ổn định an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn.