Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975), Hà Nội đã chiến đấu và nỗ lực kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Hà Nội cùng các địa phương đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972), buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973).

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.

Trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội để bảo vệ, dựng xây, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, vững bước trong hành trình đi tới tương lai “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính. Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, Hà Nội đã có một không gian phát triển rộng mở với quy mô diện tích lên tới 3.328km2, năm 2008 dân số là hơn 6,2 triệu người (năm 1954 là 152,5km2, dân số khoảng 436.000 người).

Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký bằng tặng thưởng Thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký bằng tặng thưởng Thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với quan điểm tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ngày nay, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đó là vinh dự lớn, cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, những thành tựu to lớn đạt được, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân cả nước.

Sáng ngày 10/10/2024, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Quốc hội - Chủ tịch nước - Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đánh dấu mốc đáng nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến dự và đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho hay, trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, T.Ư Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với những mốc son chói lọi đầy vinh dự, tự hào. Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội; ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội, nhanh chóng lan tỏa đi khắp nơi, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ nhân dân cả nước nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Điều 3, Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định “Thủ đô đặt ở Hà Nội”.

Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế đón mừng đoàn quân chiến thắng, đoàn quân cách mạng, đoàn quân của Bác Hồ trở về.

Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - sạch bóng quân thù; Nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội Xã hội chủ nghĩa; mở ra thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-70-nam-chien-dau-ke-thua-va-phat-huy-94029.html