Hà Nội bàn giải pháp để có 100% xe buýt xanh vào năm 2033

Chiều nay (12/6), Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố thông qua Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.

3 kịch bản chuyển đổi xe buýt xanh

Theo dự thảo Nghị quyết, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt 70-90%, đến năm 2033 đạt 100%. Có 3 kịch bản cho việc chuyển đổi tới năm 2033.

Kịch bản 1: toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực là 52.354 tỷ đồng. Kịch bản 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG (nhiên liệu sạch), tổng nguồn lực là 47.003 tỷ đồng.

Kịch bản 3: 50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 43.940 tỷ đồng. UBND thành phố đề xuất lựa chọn thực hiện theo kịch bản 3 và khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2. Sau năm 2040, thực hiện theo kịch bản 1.

Hà Nội nỗ lực có 100% xe buýt xanh vào năm 2033. Ảnh minh họa.

Hà Nội nỗ lực có 100% xe buýt xanh vào năm 2033. Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.

Thành phố hiện có 153 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có hơn 300 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm gần 14% tổng số phương tiện. Tỷ lệ "xanh hóa" phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả doanh nghiệp và Thành phố.

Trên địa bàn Thành phố cũng có 8 đơn vị tham gia thí điểm hoạt động xe điện bốn bánh với 223 phương tiện, hoạt động khu vực phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Làng cổ Đường Lâm, khu vực chùa Hương và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ chủ yếu mục đích tham quan du lịch và nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân viên trong khu vực nội Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Mở rộng đường đủ cho khoảng 5.000 xe buýt sạch hoạt động

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh là một bước đột phá quan trọng trong giao thông đô thị của Hà Nội với nhiều lợi ích và cũng nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, chính quyền thành phố, cơ quan quản lý chuyên ngành và sự ủng hộ tích cực của nhân dân.

Ông Vũ Văn Viện - guyên Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong khu vực nội thành, xe buýt hiện chỉ hoạt động được trên các tuyến đường cấp đô thị và cấp khu vực tại Hà Nội, chiếm 30-35% tổng chiều dài đường đô thị trong 12 quận và một số tuyến ngoại thành.

Để đạt được tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45-50% vào năm 2030, ngoài yêu cầu về chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, còn phải tăng số lượng xe, mở thêm nhiều tuyến để năng lực vận chuyển đạt mức 4-5 triệu lượt người/ngày (gấp 4-5 lần so với năng lực hiện nay).

Vì vậy theo ông Viện, thành phố cần lập đề án riêng để phát triển hệ thống xe buýt, mở rộng và phát triển hệ thống các tuyến đường bộ, đường đô thị đủ điều kiện cho khoảng 5.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2030…

Các đại biểu góp ý cho Hà Nội, mong muốn TP hoàn thành mục tiêu tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Các đại biểu góp ý cho Hà Nội, mong muốn TP hoàn thành mục tiêu tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Nhiều ý kiến khác tại Hội nghị cũng cho rằng để có thể thực hiện thành công các mục tiêu như dự kiến đề nghị HĐND, UBND và các cơ quan của thành phố làm rõ thêm các căn cứ để xác định lộ trình thực hiện các nội dung trong dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, cần làm rõ lộ trình chuyển đổi phương tiện, đầu tư hạ tầng cơ sở trạm sạc điện và cung cấp năng lượng sạch; bổ sung diện tích đất cần thiết để xây dựng các trạm phục vụ sạc điện cho phương tiện giao thông công cộng...

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Những ý kiến này đã khẳng định sự cần thiết ban hành đề án. Sở sẽ tiếp thu toàn bộ các nội dung liên quan đến đề án và cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện để trình HĐND thành phố xem xét, thông qua.

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đánh giá cao sự cố gắng, công phu, quyết tâm chính trị của Sở GTVT Hà Nội trong quá trình chuẩn bị đề án.

"Đề nghị việc xác định lộ trình triển khai đề án phải gắn với các chỉ tiêu, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đề án, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan trong quá trình thực thi đề án phải rõ ràng, sát sao, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng tham gia thực hiện đề án...", bà Hương nhấn mạnh.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-ban-giai-phap-de-co-100-xe-buyt-xanh-vao-nam-2033-192240612203609963.htm