Hà Nội bảo đảm mục tiêu tăng trưởng những tháng cuối năm 2020

6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực của TP Hà Nội. Trong bối cảnh đó, thành phố đã thực hiện 'nhiệm vụ kép' vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế-xã hội. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo sâu sát các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng với quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh.

GRDP tăng 3,39%

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, kinh tế thành phố sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5 và tháng 6, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước. Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từng bước được phục hồi. Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, đây là mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Cụ thể, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 1,61%; công nghiệp, xây dựng tăng 5,94%; dịch vụ tăng 2,59%. Mặc dù vậy, lĩnh vực du lịch của thành phố đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, trong đó, khách du lịch ước đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5%.

Cùng với đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn. Thành phố đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% cả nước. Vừa qua, thành phố cũng đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tại hội nghị, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân. Ước tính trong 6 tháng đầu năm đã có 12.649 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, giảm 7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt 291.110 doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

 Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Đa Liên, Khu công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: LA DUY.

Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Đa Liên, Khu công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: LA DUY.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đánh giá cao về kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của thành phố 6 tháng đầu năm trước tác động của dịch Covid-19, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái cho rằng, vừa qua, Chính phủ và TP Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, số doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng các chính sách này trên thực tế chưa cao. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Thành phố có thể thành lập cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này sẽ đóng vai trò độc lập, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi, thực sự công tâm. Theo ông Phạm Đình Đoàn, khi cân nhắc lựa chọn đầu tư, mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp là công tác hỗ trợ của chính quyền địa phương. Do đó, thành phố nên xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Tiền thuê đất, đào tạo nguồn nhân lực… Cùng với đó, thành phố cũng cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị, đồng thời đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để sớm có mặt bằng thu hút nhà đầu tư.

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho rằng, công tác triển khai các dự án đầu tư là một trong những lĩnh vực tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai. Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng linh hoạt hơn, nhất là về chính sách tái định cư. Đối với các dự án triển khai mới, thành phố cũng cần có đánh giá, kiểm định năng lực của chủ đầu tư, chuẩn bị dự án bài bản thì mới khởi công và có cam kết ngày hoàn thành. Ông Đỗ Mạnh Hải nhấn mạnh, các dự án chỉ có giá trị khi là sản phẩm hoàn chỉnh và sẽ góp phần tích cực đến tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu tăng trưởng

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2020 để chỉ đạo, điều hành (Kịch bản 1: Tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4% và dự báo cả năm đạt 5,9%. Kịch bản 2: Tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4% và dự báo cả năm đạt 5,4%). Theo đó, thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành thành phố cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR Index)… Đồng thời tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, đối thoại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhanh chóng đưa các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác đầu tư và phát triển” vào triển khai để tạo sức bật mới cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách nhà nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tích cực xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2020-2025; xây dựng phát triển quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô, quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, các phân khu đô thị vệ tinh theo quan điểm phát triển đồng đều các khu vực; quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa các huyện thuộc khu vực phía nam thành phố. Tăng cường hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng; thực hiện tốt việc kết nối cung-cầu hàng hóa; xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, xúc tiến du lịch.

Bên cạnh đó, thành phố cần thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên và cắt giảm thời gian các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững, áp dụng hóa đơn điện tử; tháo gỡ vướng mắc để tăng thu từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện và các ban quản lý dự án; tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa cho các quận, huyện trong thực hiện những dự án đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng.

NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ha-noi-bao-dam-muc-tieu-tang-truong-nhung-thang-cuoi-nam-2020-626880