Hà Nội bỏ giấy đi đường là hợp lý!

ng Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, quyết định bỏ giấy đi đường của TP Hà Nội là hợp lý, đồng thời khẳng định việc kiểm soát giấy đi đường không phải là biện pháp phòng chống dịch, đó chỉ là biện pháp quản lý.

Người dân di chuyển trên địa bàn TP Hà Nội sẽ không cần giấy đi đường, đây là thông tin được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đưa ra tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều vào chiều 20/9.

Hà Nội không áp dụng Giấy đi đường sau 6h sáng ngày 21/9. Ảnh: Quang Hùng

Bài liên quan

Từ 6h sáng 21/9, Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, mở lại nhiều dịch vụ

Hà Nội: Sẽ cân nhắc để học sinh trở lại trường vào đầu tháng 11

Hà Nội khẳng định không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Hà Nội làm rõ việc trả phí xét nghiệm COVID-19 khi vào viện điều trị

Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, thành phố bỏ nguyên tắc phân vùng chống dịch từ ngày 21/9; đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hà Nội, các cá nhân, tổ chức đơn vị cần tiếp tục thực hiện các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất việc phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.

Thành phố sẽ tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc truy vết khi có các trường hợp dương tính.

Trước thông tin người dân di chuyển trên địa bàn TP Hà Nội sẽ không cần giấy đi đường, nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình với quyết định của Thành phố sau thời gian dài kiểm soát người ra đường bằng giấy đi đường.

Anh Thành Lâm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Thời gian qua tôi thấy việc kiểm soát giấy đi đường không đạt hiệu quả, vì lượng người đủ điều kiện ra đường để thực hiên công việc vẫn rất đông, việc kiểm tra giấy đi đường tại các chốt kiểm soát gây ra sự ùn ứ và còn là thủ tục hành chính rườm rà".

Cùng quan điểm, chị Linh Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Qua theo dõi các ca nhiễm COVID-19 thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, tôi nhận thấy việc kiểm soát dịch từ việc kiểm soát giấy đi đường là không cần thiết, chủ yếu các ca nhiễm gần đây là ở các khu cách ly, khu phong tỏa, lượng ca nhiễm ngoài cộng đồng liên quan đến việc di chuyển ngoài đường là rất ít hoặc không có".

Cũng theo chị Lê, việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để hạn chế lượng người ra đường khi không cần thiết vẫn là quan trọng nhất.

Liên quan đến việc Hà Nội bỏ quy định giấy đi đường, trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, việc bỏ giấy đi đường là hợp lý. Đồng thời khẳng định, việc kiểm soát giấy đi đường không phải là biện pháp phòng chống dịch, đó chỉ là biện pháp quản lý.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh: IT

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, số liệu từ cơ quan y tế cho thấy các ca nhiễm chủ yếu ở các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, các trường hợp nhập cảnh, phần trăm ngoài cộng đồng rất thấp, chứng minh được rằng việc quản lý bằng các biện pháp hành chính ngoài cộng đồng sẽ không mang lại nhiều kết quả, việc cấp giấy đi đường sẽ không mang lại hiệu quả nhiều.

"Tôi cho rằng việc cấp giấy đi đường, các thủ tục hành chính chỉ làm ách tắc thêm và gây phát sinh nhiều kinh phí, tăng thêm việc phải làm cho các lực lượng chức năng, mà không mang lại kết quả", ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, biện pháp chính là biện pháp phòng chống dịch chứ không phải biện pháp quản lý xã hội, biện pháp phòng chống dịch là 5K, 5T...

Ông Lưu Bình Nhưỡng lưu ý, việc bỏ giấy đi đường không có nghĩa là mọi người dân được thoải mái, người dân phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, về mặt cá nhân và trong gia đình và đặc biệt tránh tình trạng sau một thời gian bị giãn cách, phong tỏa thì thoải mái tập trung đông người. Các hoạt động không cần thiết có thể dẫn đến lây nhiễm chéo, điều này phải hết sức cận thận.

"Hà Nội phải có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các cơ sở, công an cấp xã, phường, tổ dân phố, các tổ công tác mặt trận và các cơ quan đoàn thể địa phương, khu vực dân cư... phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát hoạt động của người dân, đặc biệt xử phạt thật nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.", ông Nhưỡng chia sẻ.

Ngoài ra, trước ý kiến về việc sử dụng quét mã QR cá nhân cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc sử dụng mã QR khác hoàn toàn việc kiểm soát giấy đi đường, vì quét tự động và không tốn thời gian, khai báo online, trong khi kiểm soát giấy đi đường gây ùn ứ và người kiểm soát dễ bị lây nhiễm.

Việc kiểm soát bằng QR code là biện pháp rất tốt, nếu trường hợp nào lây nhiễm thì có thể truy vết dễ dàng. Biện pháp sử dụng mã QR cá nhân để quản lý sẽ tốt hơn rất nhiều so với giấy đi đường.

Từ 24/7 đến nay, Hà Nội đã 5 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.

- Ngày 29/7, chính quyền lần đầu ban hành mẫu giấy đi đường, sử dụng thống nhất toàn thành phố.

- Ngày 8/8, thành phố thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu môt số trường hợp cần có xác nhận của ủy ban phường và cơ quan, thêm lịch trực, lịch làm việc. Tuy nhiên sau một ngày, quy định này bị hủy bỏ.

- Ngày 3/9, Công an Hà Nội thông báo sẽ chủ trì cấp giấy đi đường có mã QR, thực hiện từ 6/9.

- Ngày 7/9, Hà Nội bất ngờ cho phép người dân được dùng cả giấy mẫu mới lẫn cũ.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-bo-giay-di-duong-la-hop-ly-post157102.html