Hà Nội, Cà Mau liên tiếp có số ca mắc mới cao nhất cả nước

Hà Nội, Cà Mau đã có liên tiếp 4 ngày đứng đầu cả nước về số ca mắc mới. Trong khi đó, TP.HCM luôn có số F0 dưới mức 1.000 người.

Tối 22/12, Bộ Y tế cho hay Việt Nam ghi nhận thêm 16.555 ca nhiễm mới. Trong đó, 33 ca nhập cảnh và 16.522 trường hợp ghi nhận trong nước. Như vậy, sau 24 giờ, số F0 của cả nước tăng 206 ca. 60 tỉnh, thành phố đều ghi nhận ca mắc mới (có 10.938 ca trong cộng đồng).

Để ngăn chặn lây nhiễm, các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác tiêm chủng, không tổ chức hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Hà Nội dẫn đầu số lượng F0, TP.HCM dưới 1.000 ca

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 22/12, thành phố ghi nhận 1.646 trường hợp nhiễm nCoV. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (483), khu cách ly (1.074), khu phong tỏa (89).

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca nhiễm trong ngày là: Hoàng Mai (230); Hà Đông (165); Long Biên (139); Ba Đình (134); Đông Anh (132); Bắc Từ Liêm (96); Hai Bà Trưng (93).

483 ca cộng đồng ghi nhận tại 135 xã, phường thuộc 28/30 quận, huyện. Các quận, huyện nhiều ca cộng đồng nhất là Đống Đa (86); Ba Đình (50); Hà Đông (42).

 Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy thành phố đã có 3 ngày liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới. Trung bình số ca mắc trong vòng 7 ngày qua của Hà Nội đã tăng lên 1.224, xếp thứ 2 cả nước.

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 32.044 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 11.639 ca, số mắc đã được cách ly là 20.405 ca.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 96,21% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.

Cũng theo Bộ Y tế, TP.HCM có 979 ca mắc (cao thứ 3 trong ngày). Bốn ngày gần đây, TP.HCM luôn có số F0 dưới mức 1.000 người. Đây cũng là địa phương đầu tiên triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho cho thấy 95,57% người dân trên 18 tuổi của TP.HCM đã được bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng TP.HCM nên chú trọng quan tâm tuyên truyền cho người dân và khuyến cáo cần thiết cho F0 tự điều trị tại nhà, mặc dù vấn đề điều trị F0 tại nhà vốn quen thuộc tại thành phố này.

Vấn đề F0 chuyển nặng nhưng chậm trễ chuyển viện hiện không còn lặp lại ở TP.HCM. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao, tập trung nhiều ở nhóm chưa tiêm vaccine, có bệnh nền là vấn đề cấp thiết mà ngành y tế thành phố này cần giải quyết.

F0 ở Cà Mau, Tây Ninh tăng cao

Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Cà Mau, ngày 22/12, toàn tỉnh ghi nhận thêm 1.193 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, giảm 397 trường hợp so với hôm qua. Trong đó, 1.133 ca ghi nhận ở cộng đồng.

Trong ngày, Cà Mau cũng ghi nhận 5 trường hợp tử vong. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 110 trường hợp tử vong và 1 trường hợp tử vong do nhồi máu não, nhiễm SARS-CoV-2. Hiện tại, 14.869 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang điều trị; trong đó, F0 điều trị tầng 3 có 48 trường hợp; F0 điều trị tầng 2 có 86 trường hợp và F0 điều trị tầng 1 có 14.735 trường hợp. Toàn tỉnh đang theo dõi 64 chùm ca bệnh.

Toàn tỉnh Cà Mau có 16 cơ sở y tế (6 bệnh viện dã chiến) và 16 khu điều trị tăng cường đặt tại các trường học, trung tâm giám dục thường xuyên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đầm Dơi và Công ty Minh Phú. TP Cà Mau và 8 huyện đã áp dụng điều trị F0 tại nhà với hàng nghìn ca bệnh.

Để giảm ca nhiễm cộng đồng, các địa phương phải siết chặt các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch, tuyên truyền hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm 5K, quản lý chặt F0 và F1 cách ly tại nhà, không để người ta đi lại, tiếp xúc nhiều người.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, để quản lý chặt F1 theo dõi sức khỏe và F0 điều trị tại nhà, tỉnh đang phát huy tốt vai trò tổ Covid-19 cộng đồng và người dân khu vực xung quanh nhằm giám sát những người này.

Toàn hệ thống chính trị của tỉnh Cà Mau đang cố gắng kéo giảm F0, kiểm soát được người bệnh, không để xảy ra tình trạng trở nặng.

Hiện, người dân trong độ tuổi 18 trở lên tại Cà Mau đã tiêm vaccine hơn 97%; nhóm 12-17 tuổi trở lên đã tiêm gần 100%. Tỉnh đang xin trung ương hơn 1,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phủ hết mũi 2 và tiêm liều tăng cường.

Sau khi địa phương đề nghị hỗ trợ 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir và 20.000 liệu trình Favipiravir, Bộ Y tế đã phân bổ cho Cà Mau 3.000 liều trình Molnupiravir để điều trị F0. Đối với việc xin hỗ trợ nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ làm việc với tỉnh Cà Mau trong vài ngày tới để xem xét quyết định.

Tại Tây Ninh, trong ngày, tỉnh này ghi nhận 875 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test sàng lọc, tăng 5 ca so với ngày 21/12.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 80.087 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; 15.332 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong ngày, có 13 ca tử vong; lũy kế, số ca tử vong do Covid-19 đến ngày 22/12 là 533 ca.

Tính đến ngày 22/12, toàn tỉnh thiết lập 1.389 vùng phong tỏa, trong đó, đang phong tỏa 399 vùng, giải tỏa 990 vùng. Hiện có 1.497 người cách ly tập trung và 24.061 người cách ly tại nhà.

UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.

Hơn 1,5 triệu liều vaccine mũi 3 được tiêm

Theo Bộ Y tế, trong ngày 21/12, 1.037.045 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 141.083.958 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.224.394 liều, tiêm mũi 2 là 63.306.216 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.553.348 liều.

Sau TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch tiêm mũi 3 cho khoảng 8.000 người đầu tiên; đảm bảo theo đúng tiến độ trong quý I/2022 sẽ tiêm phủ hết mũi 3 cho người dân thành phố.

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông yêu cầu tiếp tục thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.

Nhắc lại các trụ cột trong phòng chống dịch, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác này, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ông yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để ngăn chặn ca lây nhiễm, lãnh đạo Chính phủ quán triệt tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao và đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp.

Một lần nữa, ông nhắc lại tinh thần "thần tốc" trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine. "Chậm nhất ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022", Thủ tướng nêu rõ các mốc thời gian thực hiện.

Song song với nhiệm vụ này, ông lưu ý các đơn vị chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Quán triệt nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vaccine, người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu xem xét chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vaccine (trừ người chống chỉ định tiêm).

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-ca-mau-lien-tiep-co-so-ca-mac-moi-cao-nhat-ca-nuoc-post1285021.html