Hà Nội: Các hoạt động vui chơi giải trí vẫn dừng hoạt động

Chiều 24-4, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã. Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp.

Ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân ra viện tái dương tính với SARS-CoV-2

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, dù từ ngày 16-4 đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới, thời điểm này, số ca mắc tại Hà Nội vẫn dừng ở con số 112 ca, tuy nhiên lại có thêm một trường hợp bệnh nhân sau khi ra viện có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trở lại. Đó là bệnh nhân số 137, từ Đức về nước ngày 15-3, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Ngày 22-4, bệnh nhân được ra viện sau 4 lần xét nghiệm âm tính, nhưng đến chiều 23-4, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm lại cho kết quả dương tính.

Ngay khi nhận được thông tin này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra những người liên quan đến ca bệnh này. Đến ngày 24-4, đã có kết quả âm tính của lái xe taxi đã đưa bệnh nhân về quê (trường hợp F1). Hiện, bệnh nhân 137 đã quay trở lại bệnh viện để điều trị.

Liên quan đến các ổ dịch được xếp vào nhóm nguy cơ cao là thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) và thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, cả hai ổ dịch này vẫn đang thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chưa phát sinh ca mắc mới. Hiện toàn thành phố còn 627 người cách ly tập trung, 6.455 người đang theo dõi sức khỏe tại cộng đồng, 855 trường hợp là đối tượng F1. Thành phố cũng đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm được 79.688 mẫu.

Đánh giá về diễn biến dịch trên địa bàn, ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, tuy tình hình dịch tại Việt Nam và Hà Nội có chuyển biến tích cực, nhưng trên thế giới và đặc biệt là tại một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn có ổ dịch chưa qua 28 ngày, do vậy không được chủ quan, lơ là; cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch, không để phát sinh ca nhiễm, ổ dịch mới.

Sẵn sàng cho các hoạt động trở lại

Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương cho biết đã chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng hoạt động trở lại nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân kiến nghị UBND thành phố bố trí nguồn ngân sách để các ngành, địa phương có thể tiến hành hỗ trợ trước ngày 30-4 cho nhóm đối tượng người có công và bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Đồng ý với kiến nghị nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo quyết định, dự toán nguồn kinh phí để trình UBND thành phố phê duyệt quyết định hỗ trợ cho các đối tượng vào đầu tuần tới.

Về việc chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đi học trở lại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia và thành phố; thường xuyên đôn đốc các nhà trường thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, như quản lý thông tin của giáo viên, học sinh; rà soát số giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện hỗ trợ...

Ông Chử Xuân Dũng cũng cho biết, đến nay các trường đã tổ chức tốt việc dạy học trực tuyến và qua truyền hình cho học sinh. Mỗi tuần, Sở triển khai 88 bài học từ lớp 4 đến lớp 12. Hiện nay, các trường tiếp tục bổ sung các trang thiết bị y tế để bảo đảm công tác phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại; có phương án quản lý học sinh từ nhà đến trường và khi trở về an toàn.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho biết, sau khi có chỉ đạo của thành phố, đơn vị đã cho phép các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại từ 20%-30% công suất và các đơn vị cơ bản hoạt động đúng quy định. Sở cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo thành phố cho phép các phương tiện được đi qua (không dừng lại) quốc lộ 1 và Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn qua địa bàn 2 huyện có dịch là Mê Linh và Thường Tín.

Về việc mở cửa trở lại các cửa hàng, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, trong hai ngày 23 và 24-4, hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại đã mở cửa trở lại, song một số gian hàng trong trung tâm thương mại chưa kịp chuẩn bị nên vẫn đóng cửa. Khảo sát tại các chợ dân sinh, siêu thị, hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống đều được đáp ứng đủ; ngoài thịt lợn, giá các mặt hàng rau, củ, quả, thủy, hải sản, gia súc, gia cầm... có xu hướng giảm. Sở đang kết nối để tăng cường tiêu thụ mặt hàng cá hồi (Lào Cai) về các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố... Sở Công Thương cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục quản lý chặt, không để các chợ "cóc" hoạt động trên địa bàn.

Vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, hiện nay, thành phố được xếp vào nhóm "có nguy cơ", chỉ còn 2 địa phương là huyện Mê Linh và Thường Tín thuộc nhóm "nguy cơ cao", vẫn đang phải thực hiện cách ly hết 28 ngày. Thành phố xác định, thời điểm này sẽ thực hiện nhiệm vụ "kép", đó là vừa phòng, chống dịch vừa ổn định, phát triển sản xuất trên cơ sở phải bảo đảm an toàn.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, hai huyện Mê Linh và Thường Tín phải thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội đúng yêu cầu của Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố.

Các đơn vị, sở, ngành khác thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo theo Thông báo 164/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; tập trung xử lý ổ dịch, tăng cường phát hiện, cách ly, dập dịch khi phát hiện ca mắc trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các địa phương phải thường xuyên tuyên truyền người dân thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, khi có biểu hiện ho, sốt phải liên hệ với các cơ sở y tế để thực hiện công tác khám, chữa bệnh đúng quy định.

Tất cả sự kiện văn hóa, thể thao nơi công động; các hoạt động vui chơi giải trí như vũ trường, karaoke, games... vẫn dừng hoạt động. Không tụ tập quá 20 người ngoài phạm vi trường học, công sở. Các đơn vị khi tổ chức họp phải tuân thủ đúng quy định giãn cách, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang.

Thành phố đồng ý đề xuất với Sở Giao thông Vận tải, cho phép lưu thông các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ đi qua hai huyện Mê Linh và Thường Tín. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của các quận, huyện, thị xã phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc phòng, chống dịch tại các cơ sở trên địa bàn...

Thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch đối với mỗi loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học. Các bệnh viện thực hiện giải pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ...

Bên cạnh đó, Sở Y tế phải rà soát, tính toán các phương án, kịch bản dịch bệnh trong tình hình mới; tổ chức mua sắm, quản lý thiết bị, trang thiết bị để sẵn sàng khi dịch xảy ra.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án khi học sinh đi học trở lại; tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đầu cấp...

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/965629/ha-noi-thuc-hien-nhiem-vu-kep-vua-chong-dich-vua-phat-trien-san-xuat