Hà Nội: Cấm phương tiện di chuyển qua cầu Thăng Long
thực hiện công tác sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long, lực lượng chức năng sẽ phân luồng giao thông và cấm phương tiện di chuyển qua cầu.
Sau nhiều lần thi công sửa chữa, mặt cầu Thăng Long vẫn xuất hiện những hư hỏng. Ảnh: TL
Cấm phương tiện phục vụ thi công sửa chữa cầu Thăng Long
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, bắt đầu từ tháng 7/2020 công tác sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long sẽ được thực hiện và dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.
Trong thời gian sửa chữa lực lượng chức năng sẽ phân luồng giao thông và cấm phương tiện qua cầu. Tổng kinh phí đầu tư sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long khoảng 270 tỷ đồng.
Đề cập giải pháp công nghệ sửa chữa lần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, khâu sửa chữa tổng thể sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép.
Tiếp đó, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao.
Cuối cùng thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Đồng thời, sửa các khe co giãn đã hư hỏng, đảm bảo tăng cường lực có tuổi thọ công trình 10 năm cho cầu Thăng Long.
Quá trình thi công thực hiện 24/24 giờ, cuốn chiếu dưới mái che và có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia tư vấn, thiết kế, giám sát thi công hàng dầu quốc tế. Lực lượng chức năng sẽ phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu.
Nguyên nhân làm mặt cầu bị kéo giãn cả hai phương dọc và ngang thời gian gần đây còn là chiều dày lớp bản thép mặt cầu mỏng so với yêu cầu. Vì vậy, việc sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long hiện nay là vấn đề cấp thiết.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500 m2, tương đương khoảng 40% diện tích mặt cầu. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để sửa chữa dứt điểm.
Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985 với 2 tầng đi chung cả đường sắt và đường bộ, mặt cầu đã được thảm lại toàn bộ tầng 2 bằng công nghệ của Mỹ từ năm 2009.
Sau 35 năm khai thác, hiện cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện qua cầu.
Hiện lớp bê tông nhựa mặt cầu đã bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.
Tháng 9/2018, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã mời đoàn chuyên gia Nga tham gia trực tiếp khảo sát mặt cầu, song đến nay vẫn chưa đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Hàng loạt vết nứt, "ổ gà", "sống trâu" tiếp tục xuất hiện, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng 4/2020, Bộ GTVT tải tiếp tục gửi văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung sửa chữa cầu Thăng Long để hoàn thành trong tháng 9/2020, đưa vào khai thác đồng bộ với dự án đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội).