Hà Nội đầu tư thêm 3.800 tỷ đồng cho vành đai 4

UBND Hà Nội bố trí thêm 3.840 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4, trong đó tăng gần 3.300 tỷ đồng cho công tác bồi thường, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

 Phối cảnh nút giao liên thông giữa đường vành đai 4 và các trục đường hướng tâm. Ảnh: BQL.

Phối cảnh nút giao liên thông giữa đường vành đai 4 và các trục đường hướng tâm. Ảnh: BQL.

Trong Quyết định vừa ban hành về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND Hà Nội quyết định điều chỉnh tăng 3.840 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.

Trong đó, thành phố bố trí thêm 3.290 tỷ đồng cho dự án thành phần 1.1 (công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, với tổng mức đầu tư) và thêm 550 tỷ đồng cho dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành địa phận Hà Nội).

Ngoài ra, Hà Nội dành thêm 100 tỷ đồng thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt cho công tác chuẩn bị đầu tư; 200 tỷ đồng cho vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành thanh toán theo cơ chế linh hoạt.

Cùng với đó, 100 tỷ đồng được bố trí để thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt các nhiệm vụ lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán...

Tổng vốn được điều chỉnh tăng thêm cho các nhiệm vụ trên là 4.240 tỷ đồng. Bù lại, UBND Hà Nội giảm số tiền này trong việc bố trí nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

 Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 6/2023. Ảnh: BQL.

Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 6/2023. Ảnh: BQL.

UBND Hà Nội giao các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện dự án theo đúng tiến độ phê duyệt; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí; thực hiện thanh, quyết toán đúng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nhà nước và thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội cùng đơn vị liên quan có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư, xây dựng, giải ngân, thanh toán của các dự án.

Các đơn vị được yêu cầu tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện, công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuân thủ các quy định của Nhà nước, thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng.

Đối với việc đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô, các sở ngành liên quan cần tham mưu để UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các dự án thành phần.

Đồng thời, thành phố sẽ hoàn trả phần vốn đã được ứng cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ Quỹ Phát triển đất được ủy thác qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 - vùng thủ đô được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6 với chiều dài 112,8 km; đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Trong đó, chiều dài của dự án tại Hà Nội là 58,2 km, Hưng Yên 19,3 km và Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gần sân bay Nội Bài và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối nằm trên địa bàn huyện Quế Võ (Bắc Ninh), gần cao tốc Hà Nội - Hạ Long.

Dự án thực hiện từ năm 2022, được lên kế hoạch hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Hà Nội đã đặt mục tiêu khởi công vào tháng 6/2023.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-dau-tu-them-3800-ty-dong-cho-vanh-dai-4-post1418587.html